
Trong bối cảnh thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, hiệu quả, dự thảo Đề án hợp nhất hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang đang nhận được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Theo phương án đề xuất, đơn vị hành chính mới sau sáp nhập sẽ giữ tên gọi Tuyên Quang, với trung tâm hành chính đặt tại TP. Tuyên Quang hiện nay.
Việc sáp nhập không chỉ thể hiện tinh thần đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa và du lịch. Với những nét tương đồng về truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, sự hợp nhất của hai địa phương được kỳ vọng sẽ tạo nên một trung tâm lễ hội mang đậm bản sắc vùng cao, có quy mô lớn, đa dạng và đặc sắc hàng đầu khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, Tuyên Quang nổi bật với nhiều lễ hội văn hóa dân gian độc đáo. Trong đó đáng chú ý là Lễ hội Thành Tuyên – sự kiện văn hóa tiêu biểu được tổ chức vào dịp Trung thu hằng năm, đã trở thành thương hiệu riêng của địa phương.
Được khởi nguồn từ năm 2004, Lễ hội Thành Tuyên ngày càng được tổ chức bài bản, quy mô, thu hút hàng chục nghìn lượt du khách trong và ngoài nước. Các mô hình đèn Trung thu khổng lồ, được cộng đồng dân cư tự tay thiết kế và diễu hành rực rỡ khắp các tuyến phố, đã giúp Tuyên Quang xác lập nhiều kỷ lục quốc gia, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương một cách sinh động, gần gũi.
Không chỉ có thành phố, các địa phương vùng cao của tỉnh như: Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa cũng duy trì và phát huy Lễ hội Lồng Tồng – lễ hội cầu mùa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, diễn ra vào đầu xuân hằng năm. Lễ hội bao gồm các nghi thức cúng trang nghiêm cùng các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao, góp phần giữ gìn di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng.
Bên cạnh đó, nhiều lễ hội tiêu biểu khác cũng góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân như: Lễ hội đền Hạ – đền Thượng – đền Ỷ La, Lễ hội Gầu Tào của người Mông, Lễ hội đền Pác Tạ, Lễ hội nhảy lửa của người Dao đỏ,…

Về phía Hà Giang – mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc – nơi đây nổi bật với nhiều truyền thống lễ hội đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số, phản ánh chiều sâu văn hóa tâm linh và tín ngưỡng bản địa. Chợ tình Khâu Vai (Mèo Vạc) là một trong những lễ hội độc đáo, giàu tính nhân văn, nơi những đôi lứa từng dang dở gặp lại nhau mỗi năm một lần, trong không gian văn hóa truyền thống đầy cảm xúc, đậm đà bản sắc dân tộc Mông, Dao.
Ngoài ra, Hà Giang còn có lễ cấp sắc của người Dao, lễ hội Lồng Tồng, lễ hội nhảy lửa được tổ chức tại nhiều huyện như Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Quản Bạ… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.


Với kho tàng lễ hội đặc sắc được bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ, sau khi sáp nhập, Tuyên Quang mới sẽ có điều kiện trở thành thủ phủ lễ hội của khu vực miền núi phía Bắc, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa vùng cao, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chuyển mình từ tiềm năng thành động lực, từ bản sắc thành sản phẩm du lịch – văn hóa – cộng đồng, sự sáp nhập này không chỉ mang lại giá trị hành chính mới, mà còn mở ra một chương mới cho sự phát triển bền vững, hài hòa giữa bảo tồn và đổi mới, vì mục tiêu chung của cả vùng trung du, miền núi phía Bắc./.
Một số hình ảnh về cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ tại ruộng bậc thang Hà Giang – điểm đến yêu thích của du khách và nhiếp ảnh gia trong mùa nước đổ.



