Triển vọng từ những mô hình khảo nghiệm giống lúa mới

Năm 2021, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã triển khai thành công nhiều mô hình khảo nghiệm giống lúa thuần mới cho năng suất và chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, hứa hẹn những mùa vàng bội thu cho bà con nông dân.

Năm 2021, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã triển khai thành công nhiều mô hình khảo nghiệm giống lúa thuần mới cho năng suất và chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, hứa hẹn những mùa vàng bội thu cho bà con nông dân.

Những ưu điểm vượt trội

Vụ Mùa năm 2021, tỉnh Yên Bái đưa 8 giống lúa thuần vào trồng khảo nghiệm trên diện tích hàng chục ha tại nhiều địa phương trong tỉnh.Đó là các giống HG12, HANA6, Dự Hương 8, Bắc Thơm 7, Thụy Hương 308, VNR 20,  ST25, Hưng Long 555. Đây là các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, đã được Hội đồng Khoa học Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là giống lúa triển vọng, đặc điểm nông sinh học tốt, thích ứng rộng, có khả năng kháng bệnh, chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Từ cơ sở, ông Trần Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Lục Yên cho biết, qua đánh giá thực tế, các mô hình lúa thuần giống mới trong vụ Mùa trên địa bàn huyện đều cho thấy những ưu điểm nổi trội, phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu ở huyện Lục Yên, gieo cấy được 2 vụ trong năm. Đặc biệt, lúa thuần giống mới cho năng suất cao, trung bình đạt tới 64,5 tạ/ha, chất lượng gạo thơm ngon. Những giống lúa này chắc chắn sẽ được đưa vào cơ cấu thời vụ sản xuất trong những năm tới để giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế.

Được huyện Lục Yên hỗ trợ 100% lúa giống, tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, gia đình ông Nông Văn Mịch, thôn Hin Lạn, xã Lâm Thượng dành toàn bộ diện tích lúa của gia đình gieo cấy bằng giống lúa thuần HG12. Ông Mịch chia sẻ, đây là vụ đầu tiên gia đình ông cấy giống lúa này, năng suất cao hơn so với những giống trước đây gia đình đã trồng từ 30-45 kg thóc/sào; hạt gạo bóng đẹp, cơm  có vị ngọt đậm. Vì vậy, vụ tới gia đình ông Mịch tiếp tục cấy giống này.

Tương tự, chính sách hỗ trợ như huyện Lục Yên, vụ Mùa năm nay, huyện Văn Yên triển khai trồng khảo nghiệm 3 giống lúa thuần chất lượng cao là ST25, Dự hương 8, Bắc Thơm 7 tại 4 xã Đại Phác, Yên Phú, Phú An Thịnh và Đông Cuông với diện tích 17 ha, với sự tham gia của 175 hộ dân.

yen-bai-lua-1632884128.jpg
Tỉnh Yên Bái đã triển khai thành công nhiều mô hình khảo nghiệm giống lúa thuần mới cho năng suất và chất lượng cao. Ảnh minh họa

Tham gia mô hình giống mới, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Ông Nguyễn Văn Cường, thôn Gốc Nhội, xã An Thịnh, huyện Văn Yên chia sẻ, từ vụ Xuân 2021, gia đình ông được tham gia mô hình khảo nghiệm giống lúa Bắc Thơm 7 có gen kháng bạc lá.

Giống lúa này đẻ nhánh đều, bông vàng sáng, ít sâu bệnh mà năng suất tới 61,1 tạ/ha. Giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa thuần 7 triệu đồng/ha. Hạt gạo nhỏ thon, cơm ngon, dẻo, đúng với thị hiếu người dân. Đặc biệt, lúa có khả năng chịu rét, ít bị nhiễm bệnh khô vằn và đạo ôn hơn so với các giống khác.

Đánh giá về giống lúa thuần mới Hưng Long 555 được trồng khảo nghiệm thành công trên nhiều cánh đồng tại các huyện Yên Bình, Chấn Yên và thành phố Yên Bái. Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Yên Bái Hoàng Văn Thông nhận xét, đây là giống lúa ngắn ngày, cứng cây, ít sâu bệnh, độ thuần đồng ruộng cao, góc lá đòng hẹp và xanh bền, tỷ lệ hạt lép thấp, số bông hữu hiệu nhiều (bình quân đạt 5,7 bông/khóm), năng suất thực thu ước đạt 69 tạ/ha, vượt trội so với các giống lúa đang gieo cấy phổ biển ở nhiều địa phương trên trên địa bàn tỉnh từ 3-6 tạ/ha.

Nhanh chóng nhân ra diện rộng

Với sự tích cực, chủ động của toàn ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái trong việc phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất lúa giống và bà con nông dân đã mang lại kết quả khả quan trên những mô hình trồng khảo nghiệm giống lúa mới. Từ đó, lựa chọn những giống lúa thuần có năng suất, chất lượng cao bổ sung vào cơ cấu giống lúa trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng tăng sản lượng lương thực và hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Ông Đinh Đăng Luận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, trên cơ sở thành thành công từ các mô hình khảo nghiệm giống lúa mới, tỉnh Yên Bái đang khẩn trương rà soát, loại bỏ giống lúa năng suất thấp, kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng giống lúa thuần chất lượng cao. Tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất tại các vùng chuyên canh lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô trên 5.000 ha tại các cánh đồng lớn bằng việc sử dụng các giống lúa thuần chọn lọc, phấn đấu diện tích gieo trồng toàn tỉnh ổn định đạt từ 19.000-22.000 ha/vụ, sản lượng đạt trên 220.000 tấn thóc/năm.

Nhận thấy rõ tính ưu việt của giống lúa thuần mới, ông Đinh Khắc Yên, Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết, cũng như nhiều huyện khác trong tỉnh, cùng với việc chủ động tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, UBND huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã trong huyện nhanh chóng đưa vào sản xuất đại trà, trên diện rộng giống HANA6 và giống lúa thuần HG12 đã được khảo nghiệm thành công cho các vụ tiếp theo. Từ đó, thay thế những giống lúa đã sử dụng lâu năm năng suất thấp, khả năng chống chịu sâu bệnh kém.

Tuy nhiên, cũng theo ông Yên, từ mô hình trồng khảo nghiệm đến việc trồng đại trà có những khó khăn, thay đổi nhất định. Điều đó đòi hỏi các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, các đơn vị cung cấp giống lúa mới phải sát thực tế, đồng hành cùng bà con trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa để kịp thời điều chỉnh, khắc phục những vấn đề phát sinh.

Nhận thức rõ về vấn đề này, Thạc sĩ Lê Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty Giống nông nghiệp Quốc tế, tác giả giống lúa thuần Hưng Long 555 chia sẻ: “Kết quả khả quan từ các mô hình khảo nghiệm giống lúa mới chỉ là thành công bước đầu, để thành công khi nhân ra diện rộng mới là mục tiêu cuối cùng của chúng tôi.

Vì vậy, cá nhân ông cũng như các nhà khoa học của công ty, luôn chú ý lắng nghe phản hồi từ nông dân về chất lượng giống, về điều kiện thổ nhưỡng, kỹ thuật chăm sóc để đổi mới cách nghiên cứu, chỉnh sửa gen, sao cho các chỉ tiêu năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh và độ bền di truyền các tính trạng ưu tú của giống lúa thuần đạt được cao nhất”.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, diện tích gieo cấy vụ Hè Thu năm 2021 trên toàn tỉnh đạt gần 22.300 ha; trong đó, diện tích lúa lúa thuần chất lượng cao chiếm trên 51%. Điều đó khảng định giống lúa thuần mới đang dần thay thế giống lúa cũ đã thoái hóa, năng suất thấp, không còn phù hợp với đồng ruộng địa phương.

Hy vọng với sự chuẩn bị chu đáo, sự nỗ lực từ các cơ quan chuyên môn tỉnh Yên Bái, các giống lúa thuần chất lượng cao đã thành công tại các mô hình khảo nghiệm sẽ thành công ngoài thực địa, trên diện rộng đối với cả 3 mặt năng suất, diện tích, chất lượng, đặc biệt là hiệu quả kinh tế góp phần hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác cho nông dân./.

Tiến Khánh