Quảng cáo #128

TP.HCM: Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng đón 'sóng' thị trường Tết 2025

Sẵn sàng tăng tốc những tháng cuối năm 2024, các doanh nghiệp tại TP.HCM đã chuẩn bị hàng hoá nhằm phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân, đẩy mạnh sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường.
h1-1730995393.png
Nhiều doanh nghiệp TP.HCM sản xuất thực phẩm, hành tiêu dùng, nhu yếu phẩm,... đã sẵn sàng cho kế hoạch kinh doanh Tết.

Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SATA), ông Lâm Quốc Thanh cho biết, ngay từ tháng 7/2024 đã chỉ đạo hệ thống bán lẻ của Tổng công ty triển khai tới tất cả các đơn vị thành viên, trung tâm phân phối đã chuẩn bị nguồn hàng hoá cho những tháng cuối năm 2024, nhất là trong dịp Tết Dương dịch và dịp Tết Nguyên Đán 2025.

Với kế hoạch đã được triển khai, hệ thống bán lẻ SATRA đã tăng cường dự trữ hàng hóa, trong đó tập trung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, hàng bình ổn thị trường; nguồn hàng phong phú, chất lượng nhằm kịp thời đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Cùng với đó, giá cả hàng hoá cũng đã được đảm bảo nằm ở mức hợp lý, phù hợp với thị trường hiện nay.

Ngoài ra, Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cho biết: “Năm nay, chúng tôi nhận định nhóm hàng phục vụ người lao động bình dân sẽ tiêu thụ mạnh nên tập trung đẩy mạnh cung ứng hàng hóa giá thấp hơn so với giá hằng ngày. Saigon Co.op đã có kế hoạch phối hợp với nhà sản xuất, nhà cung cấp dự trữ tăng 30-40% so với ngày thường với các mặt hàng thiết yếu, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích thích sức mua, đồng hành với nhà cung cấp phát triển thị trường”.

Cụ thể, Saigon Co.op sẽ chuẩn bị khoảng 10.000 tỷ đồng hàng Tết, tăng 20-50% tùy nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường. Phần lớn ngân sách ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản,... còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm và các loại đặc sản Tết. Đặc biệt hơn hẳn, Vào những ngày cận Tết, các siêu thị Co.opmart sẽ tổ chức nhiều hơn các chuyến hàng lưu động đến các vùng sâu, vùng xa, khu vực bị chịu ảnh hưởng mạnh do bão lũ gây ra.

Tóm lại, nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, hành tiêu dụng, nhu yếu phẩm,... đã sẵn sàng cho kế hoạch kinh doanh Tết. Để giữ ổn định giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong những tháng cuối năm 2024, các nhà phân phối lớn trên địa bàn TP.HCM đã liên tục làm việc với nhà cung cấp, nhất là các mặt hàng thiết yếu để thống nhất số lượng và giá cả hàng Tết.

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, từ này tới cuối năm, Sở Công Thương tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại hỗ trợ Doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ cho cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

h2-1730995489.png
Doanh nghiệp TP.HCM đổi mới công nghệ để giải quyết “điểm nghẽn”, liên quan đến “tiêu chuẩn xanh” mà thị trường xuất khẩu yêu cầu.

Sở Công Thương Thành phố cũng phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, chuẩn bị cho mùa mua sắm tập trung cuối năm – "Shopping Season 2024" đợt 2 diễn ra từ ngày 15/11 đến ngày 31/12. Theo ông  Bùi Tá Hoàng Vũ, chương trình này được người tiêu dùng khu vực Đông Nam Bộ hưởng ứng tích cực và tạo ra sự lan tỏa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành trong khu vực.

Cùng với đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ còn chia sẻ, trong thời gian qua, Sở Công Thương đã tham mưu cho Thành phố tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu; phối hợp với các đơn vị thực hiện chương trình bình ổn thị trường; đưa các chương trình bán hàng bình ổn đến Khu chế xuất, công nghiệp cho công nhân, người lao động… các hoạt động này góp phần làm chỉ số giá tiêu dùng của Thành phố trong 10 tháng 2024 thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Huba, hiện tại lãi suất cho vay đang diễn biến khá tốt, các ngân hàng đang tích cực mời gọi Doanh nghiệp vay vốn, nên áp lực về vốn không còn là vấn đề lớn nữa. Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, Sở Công Thương đã phối hợp với NHNN chi nhánh TP.HCM và Huba đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng ưu đãi phục vụ cho Doanh nghiệp mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến nay chương trình đã giải ngân hơn 548.000 tỷ đồng cho 166.291 khách hàng.

Ông còn cho biết, “Doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa duy trì đơn hàng và đã nghĩ tới chuyện đầu tư, đổi mới công nghệ để giải quyết “điểm nghẽn” mà có khả năng Doanh nghiệp vấp phải trong năm 2025, đó là các “tiêu chuẩn xanh” mà các thị trường xuất khẩu yêu cầu”.

Nhìn chung, hiện nay Thành phố đang đẩy mạnh triển khai các chương trình kích cầu cho dịp mua sắm cuối năm. Doanh nghiệp trong hiệp hội đang tích cực chuẩn bị để đón nhận cơ hội này nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp mình./.

Quốc Cường - Võ Nga