Tp. Hồ Chí Minh tạo đà cho sản xuất tích cực tại các doanh nghiệp

Với những tín hiệu chuyển biến tích cực hơn trong những tháng cuối năm 2021, tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục có xu hướng chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, bước sang tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp hoạt động trong một số nhóm ngành đã và đang tăng sản xuất kinh doanh, nhất là đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

*Duy trì đà phục hồi công nghiệp

Báo cáo của Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đã hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại sau thời gian gián đoạn do dịch COVID-19. Tại khu công nghiệp – khu chế xuất, số doanh nghiệp đã trở lại hoạt động đạt 96% so với tổng số doanh nghiệp trước dịch COVID-19; khu công nghệ cao đạt 100%; còn doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đạt trên 90%. 

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 12/2021 của Tp. Hồ Chí Minh tăng 13,5% so với tháng 11/2021. Tính chung cả năm 2021, chỉ số IIP của Tp. Hồ Chí Minh giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo đại diện Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 vẫn còn tác động lớn khiến cho chỉ có 3 ngành có chỉ số tăng so với cùng kỳ năm trước, gồm: sản xuất kim loại tăng 6,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 2,7%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 0,7%. Còn lại, hầu hết các ngành công nghiệp đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh trong tháng 12/2021 tiếp tục được cải thiện do kiểm soát tốt được dịch bệnh COVID-19 được kỳ vọng là điều kiện thuận lợi cho sản xuất công nghiệp phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, tình hình dịch vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp với biến chủng mới xuất hiện, đòi hỏi chính quyền Tp. Hồ Chí Minh không chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19 và nhanh chóng đẩy mạnh tiêm chủng vaccine trong cộng đồng.  

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cho biết, rất kỳ vọng các sở, ngành thành phố tăng cường phối hợp liên ngành để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; trong đó, cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi những cơ chế chính sách thiết thực như: cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thực hiện miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay... tiếp tục được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả trên địa bàn thành phố.

san-xuat-02102021-1641807087.jpeg
Công nhân làm việc trong ngày đầu thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội tại Khu Công nghiệp Linh Trung 1. Ảnh tư liệu: Hồng Pha/TTXVN phát

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho hay, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đều đối diện với rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực và đã đạt được một số thành công trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, dịch vụ; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng, cũng như phát triển thương hiệu gắn liền với phát triển năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

"Ngành Công Thương nói riêng, các sở, ngành Tp. Hồ Chí Minh nói chung, luôn muốn tạo động lực để khuyến khích doanh nghiệp tích cực đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững... để góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh của thương hiệu doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh tại thị trường trong nước và quốc tế. Cụ thể, vừa qua UBND Tp. Hồ Chí Minh đã trao giải thưởng "Thương hiệu Vàng Tp. Hồ Chí Minh" cho sản phẩm, dịch vụ của 30 doanh nghiệp, không nằm ngoài mục tiêu tạo động lực tăng trưởng mới cho sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế thành phố", ông Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ thêm.

*Số hóa thị trường xuất khẩu

Thống kê ở lĩnh vực xuất khẩu cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh xuất qua cảng thành phố (gồm cả dầu thô) trong tháng 12/2021 đạt 3.986,3 triệu USD. Tính chung cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Thành phố xuất qua cảng thành phố (gồm cả dầu thô) đạt 40.298,6 triệu USD.

Còn tính chung cả năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 43.896,9 triệu USD, giảm 1,0% so với cùng kỳ năm trước; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 41.975,4 triệu USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 9.368,2 triệu USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 23,2% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp theo, có thể kể đến là thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU...

Một số chuyên gia chỉ ra rằng, nền kinh tế số Việt Nam đang là một trong những thị trường "nóng" nhất ở Đông Nam Á, với 3 ngành "xương sống": Thương mại điện tử, Fintech (Công nghệ tài chính) và Logistics (Dịch vụ bốc xếp hàng hóa, dỡ hoặc bốc xếp hàng hóa lên tàu, xe, container…). Trong đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã có những chiến lược cụ thể trong thúc đẩy chuyển đổi ngành Logistics từ dịch vụ truyền thống sang dịch vụ số được tập trung đẩy mạnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và đơn vị xuất nhập khẩu thuận lợi tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành Logistics đang chuyển mình số hóa mạnh mẽ và đồng hành cùng Chính phủ. Điển hình, J&T Express đã cho ra mắt dịch vụ vận chuyển dành riêng cho nông sản và đồ tươi sống J&T Fresh, cũng như hợp tác cùng UPOS - phần mềm bán hàng online và chốt đơn livestream. 

Ông Phan Bình, Giám đốc thương hiệu J&T Express cho hay, những hoạt động nêu trên đã hỗ trợ bà con nông dân và hộ sản xuất nông nghiệp đơn giản hóa việc bán hàng, giải quyết bài toán về đầu ra tiêu thụ sản phẩm nhờ vào việc ứng dụng quy cách đóng gói và công nghệ hiện đại. Đồng thời, đáp ứng mục tiêu 3 trong Chiến lược Phát triển bưu chính của Thủ tướng Chính phủ: đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. 

Hơn thế nữa, J&T Express cũng đang thực hiện chiến lược phát triển hậu cần thương mại điện tử e-logistics, hỗ trợ toàn diện việc di chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến tay người tiêu dùng thông qua giao dịch mua bán điện tử. Không dừng lại ở phạm vi trong nước, dịch vụ J&T International của J&T Express đã chính thức triển khai giao nhận với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trải dài từ châu Á đến châu Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada... Mới đây, J&T Express cũng mở rộng mạng lưới ở khu vực Trung Đông, cụ thể là ở UAE và Saudi Arabia. Kế hoạch này của J&T Express, nhằm đáp ứng trước xu hướng mua sắm "không biên giới" đang ngày càng phổ biến, cùng với nhu cầu chuyển phát nhanh hàng hóa trong hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam.

Liên quan đến hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh đánh giá, năm 2021 khép lại một năm đầy khó khăn, thách thức đối với thành phố nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, trong những khó khăn đó, nhiều điểm sáng đã nổi lên đầy khích lệ, góp phần giúp thành phố kiểm soát cơ bản dịch bệnh và phục hồi kinh tế; còn nhiều doanh nghiệp đã có cách làm và hướng đi phù hợp, biến thách thức thành cơ hội để duy trì sự phát triển của mình. 

Với bối cảnh Tp. Hồ Chí Minh cùng cả nước đang khẩn trương bắt tay vào khôi phục kinh tế, ông Phan Văn Mãi cho biết, thành phố xác định năm 2022 là năm tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo, trong đó "đặt doanh nghiệp là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế". Đồng thời, từ những khó khăn thách thức đã vượt qua, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh cùng cộng đồng doanh nghiệp quyết tâm mạnh mẽ, đạt mục tiêu phục hồi kinh tế trong năm 2022, tạo tiền đề tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo, phấn đấu xây dựng Tp. Hồ Chí Minh trở thành "trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á"./.