Top 10 kỷ lục bất biến về thiên nhiên Việt Nam

Năm 2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) thực hiện “Hành trình tìm kiếm và công bố Top 100 kỷ lục bất biến của Việt Nam” nhằm giới thiệu, quảng bá các Kỷ lục không thể thay thế và không bị phá vỡ của đất nước và con người Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, góp phần tôn vinh các giá trị độc đáo của Việt Nam đến du khách trong và ngoài nước.

Kỷ lục từ trước đến nay được xét theo nhiều góc độ. Về cách thể hiện, kỷ lục được xét trên khía cạnh nội dung và hình thức. Về tính tồn tại, kỷ lục lại được xem xét trên góc độ bất biến và khả biến.

Kỷ lục bất biến của một quốc gia được định nghĩa là những hiện tượng, đối tượng, sự vật, công trình, sự kiện... đã xuất hiện, tồn tại và gần như không thể thay thế hay không (hoặc rất ít khi) bị phá vỡ theo thời gian kể từ khi xuất hiện. Kỷ lục theo định nghĩa này thường thiên về yếu tố tự nhiên, có tính duy nhất hoặc gần như bền vững theo thời gian như: Ngọn núi cao nhất, dòng sông dài nhất, hẻm vực sâu nhất... và các sự kiện lịch sử, văn hoá - xã hội, công trình... nổi bật mang yếu tố đầu tiên như: Trường Đại học đầu tiên; Khách sạn được xây dựng đầu tiên; Người đầu tiên bay vào vũ trụ… được con người thực hiện xét trên phạm vi một quốc gia.

Tháng 7/2022, VietKings chính thức công bố Top 10 kỷ lục bất biến của thiên nhiên Việt Nam và Top kỷ lục bất biến mang yếu tố “đầu tiên” của Việt Nam trong hành trình tìm kiếm và công bố 100 kỷ lục bất biến của Việt Nam - Lần I năm 2022. Cụ thể, Top 10 kỷ lục bất biến của thiên nhiên Việt Nam gồm:

1. Fansipan (Lào Cai): Đỉnh núi cao nhất Việt Nam
Đỉnh Fansipan thuộc núi Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sa Pa khoảng 9km về phía Tây Nam, tiếp giáp hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai.

Fansipan, trong tiếng bản địa có tên gọi khác là Hủa Xi Pan, nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh. Với độ cao 3.143m (số liệu năm 1909), đây là ngọn núi cao nhất của cả 3 nước Đông Dương; đồng thời cũng là dãy núi có địa hình phức tạp vào bậc nhất của khu vực.

1-1659341862.jpg

Vào năm 2019, Cục Đo đạc bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã công bố kết quả đo vị trí cao nhất của đỉnh Fansipan đạt 3.147,3m, cao hơn 4,3m so với kết quả do người Pháp đo đạc vào năm 1909.
2. Hồ Ba Bể (Bắc Kạn): Hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam

2-1659341883.jpg

Hồ Ba Bể nằm ở cánh cung sông Gâm, địa hình gồ ghề và cắt xé bởi các ngọn núi cao từ 1.400m đến 1.600m và xen kẽ là các thung lũng. Hồ được nước của hai con sông chảy vào là sông Chợ Lèng và sông Nam Cường rồi chảy ra sông Năng, đổ xuống thác Đầu Đẳng. Hồ Ba Bể được hợp thành từ 3 hồ có tên là Pé Lèng, Pé Lù và Pé Lầm. Nằm ở độ cao 145m so với mực nước biển, dài khoảng 8km và sâu khoảng 20 - 25m, diện tích mặt nước 650 ha, hồ Ba Bể là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam, đồng thời thuộc Top 100 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới.

3. Đảo Phú Quốc (Kiên Giang): Đảo lớn nhất Việt Nam & Thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam

3-1659341913.jpg

Thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo nằm trong Vịnh Thái Lan và cũng là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, được mệnh danh là đảo Ngọc. Phú Quốc có diện tích 589,23 km², trải dài từ vĩ độ 9°53′ đến 10°28′ độ vĩ bắc và kinh độ từ 103°49′ đến 104°05′ độ kinh đông, nằm cách TP. Rạch Giá 120 km và cách TP. Hà Tiên 45 km. Với 150 km đường bờ biển, Phú Quốc bao gồm hơn 20 đảo lớn nhỏ, cùng nhiều bãi tắm đẹp như: Bãi Trường, Bãi Khem, Gành Dầu, Bãi Sao, Cửa Cạn, Hàm Ninh.

4-1659341936.jpg

Kể từ ngày 1/1/2021, Phú Quốc chính thức trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Sau khi thành lập, TP. Phú Quốc có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2 phường Dương Đông, An Thới và các xã Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Hàm Ninh, Dương Tơ, Thổ Châu, Gành Dầu.

4. Sông Đồng Nai: Dòng sông nội địa dài nhất Việt Nam

5-1659341959.jpg

Sông Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất Việt Nam, lớn thứ nhì Nam Bộ về lưu vực, chỉ sau sông Cửu Long. Sông Đồng Nai chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh với chiều dài 586 km (364 dặm) và lưu vực 38.600 km². Dù đi qua nhiều tỉnh thành, thế nhưng con sông này được gọi là sông Đồng Nai.

6-1659341976.jpg

Đồng Nai có phiên âm tiếng Miên là “Nông - nại”. Đây chính là vùng đất Chân Lạp xưa được người Việt khai phá trước tiên. Con sông này trở thành ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Đồng Nai (phía Đông) và Bình Dương (phía Tây). Sông lại ôm lấy Cù Lao Phố, một trong những thương cảng sầm uất nhất thời bấy giờ nên người ta lấy tên tỉnh cũng gán cho tên sông.

5. Đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu): Đèo dài nhất Việt Nam

7-1659342016.jpg

Đèo Ô Quy Hồ dài 50km nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu nằm trên tuyến quốc lộ 4D vắt ngang dãy núi Hoàng Liên Sơn, trong đó 2/3 quãng đường thuộc địa phận huyện Tam Đường, Lai Châu; 1/3 còn lại nằm ở phía Sa Pa, Lào Cai và kết thúc tại ngã ba Tam Đường. Đây là con đèo dài nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Đương với cung đường dài, hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất ở miền núi phía Bắc.

8-1659342032.jpg

Đỉnh đèo ở độ cao 2.073mét so với mực nước biển, giữa mây núi ngút ngàn còn được gọi với cái tên Cổng Trời. Cùng với đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang), đèo Pha Đin (Sơn La), đèo Khau Phạ (Yên Bái), đèo Ô Quy Hồ được mệnh danh là “tứ đại đỉnh đèo” ở vùng trời Tây Bắc.

6. Dãy Trường Sơn: Dãy núi dài nhất Việt Nam
Khởi nguyên từ thượng nguồn sông Cả đến giáp miền Đông Nam Bộ, dãy núi Trường Sơn có chiều dài hơn 1.100 km, với tổng diện tích khoảng 22 triệu ha. Bao gồm toàn bộ các dãy núi nhỏ hơn ở Bắc Trung Bộ và các khối núi, cao nguyên Nam Trung Bộ, xếp thành hình cánh cung lớn mà mặt lồi quay ra Biển Đông.

9-1659342065.jpg

Theo Atlat Địa lý Việt Nam, dãy Trường Sơn chạy qua 21 tỉnh, thành của nước ta như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… Trường Sơn được chia thành Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, ngăn cách bởi đèo Hải Vân và núi Bạch Mã. Chính bởi lẽ đó, dãy Trường Sơn là dãy núi dài nhất Việt Nam, còn được mệnh danh là xương sống của bán đảo Đông Dương.

7. Hẻm vực Tu Sản (Hà Giang): Hẻm vực sâu nhất Việt Nam

10-1659342097.jpg

Hẻm vực Tu Sản là vực sâu với chiều cao vách đá lên tới 700 - 900mét, chiều dài tới 1,7km, thuộc kiểu di sản kiến tạo địa mạo, di sản cổ sinh - địa tầng - cổ môi trường, phát hiện tại khu vực của 3 xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

11-1659342120.jpg

Nằm yên bình dưới chân đèo Mã Pí Lèng, Hẻm Tu Sản được ví von là ‘đệ nhất hùng quan’ với chiều cao ấn tượng, đồng thời là danh thắng kỳ vị nơi cao nguyên đá Đồng Văn. Mọi người thường ví von hẻm vực sâu nhất Việt Nam là sự kỳ diệu của tạo hóa khi cách đây hàng triệu năm trước, nơi đây vẫn còn chìm giữa lòng đại dương mênh mông mà giờ dây, đã trở thành di sản địa chất độc nhất vô nhị giữa mây trời Hà Giang.

8. Đá Voi Mẹ (Đắk Lắk): Tảng đá granite nguyên khối lớn nhất Việt Nam

12-1659342158.jpg

Nằm trên địa bàn xã Yang Réh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng 40km theo Quốc lộ 27, đá Voi Yang Tao gồm một cặp đá Voi Cha và đá Voi Mẹ hiện lên sừng sững, mang trong mình những truyền thuyết ly kỳ, bí ẩn. Không ai biết núi đá Voi Mẹ có từ bao giờ, chỉ thấy tảng đá này nằm giữa thung lũng Yang Tao từ rất lâu, vì có hình dáng giống những con voi nên dân làng gọi là đá Voi.
Đá Voi Mẹ có chiều dài khoảng 200mét, chu vi dưới chân đá khoảng 500mét, cao khoảng hơn 30mét. Đây chính là tảng đá nguyên khối lớn nhất Việt Nam.

9. Rừng ngập mặn Cà Mau (Cà Mau): Rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam

13-1659342194.jpg

Trong danh sách rừng ngập mặn thế giới, rừng ngập mặn Cà Mau chỉ đứng sau rừng Amazon của Nam Mỹ.

14-1659342234.jpg

Với tổng diện tích lên đến 63.017 ha, rừng ngập mặn Cà Mau trải dài 6 huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Trần Văn Thời, U Minh, Ngọc Hiển và Năm Căn. Và ở đó phần lớn diện tích nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau và hơn 15.000 ha thuộc vườn quốc gia Mũi Cà Mau.

Nhìn từ trên cao, rừng ngập mặn Cà Mau như một tấm thảm xanh lơ lửng giữa vòm trời.

10. Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình): Hang động tự nhiên lớn nhất Việt Nam

15-1659342270.jpg

Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) là hang động được cả 3 tổ chức Kỷ lục trên thế giới cùng ghi nhận là Hang động tự nhiên lớn nhất Việt Nam.
Hang Sơn Đoòng, tọa độ 17°27’25.88″Bắc 106°17’15.36″Đông, thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là hang động tự nhiên lớn nhất Việt Nam cũng như thế giới. Hang này nằm trong quần thể hang động Phong Nha - Kẻ Bàng. Hang là một phần của hệ thống ngầm nối với hơn 150 động khác ở Việt Nam tọa lạc gần biên giới với Lào.

16-1659342293.jpg

Sơn Đoòng được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990, bởi một người dân địa phương tên là Hồ Khanh. Mãi đến năm 2008, Hồ Khanh một lần nữa đã tìm thấy hang Sơn Đoòng. Ông đã ghi chép lại đường đi đến hang, sau đó dẫn hai thành viên Howard và Deb Limbert của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đến hang động thám hiểm.

Vào năm 2013, hang động đã được công bố tới công chúng. Chính quyền cũng đã cho phép thám hiểm hang, và địa phương cũng bắt đầu tổ chức các chuyến tham quan tới hang Sơn Đoòng.

Đạm Quang Lê