Đây là hội nghị đầu tiên được tổ chức giữa Cổng TTĐT Chính phủ với các Cổng TTĐT của các cơ quan Bộ, ngành trung ương. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì hội nghị. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm và Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh và đại diện Người phát ngôn, lãnh đạo Văn phòng, 25 lãnh đạo quản lý Cổng Thông tin điện tử, Trung tâm Thông tin, đơn vị phụ trách thông tin truyền thông của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Hội nghị là dịp quan trọng để đội ngũ cán bộ làm thông tin truyền thông điện tử của các Bộ, ngành trao đổi chia sẻ kinh nghiệm quý, cách làm hay, cùng nhau nhìn nhận đánh giá những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, đưa ra những giải pháp thiết thực để công tác truyền thông phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phục vụ công tác điều hành của các Bộ, ngành theo từng lĩnh vực.
Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh được đưa vào sử dụng từ năm 2018. Hiện nay hệ thống cổng TTĐT của tỉnh gồm 5 Cổng thành phần cấp 1, 60 Cổng TT thành phần cấp 2 gồm các sở, ban ngành, 128 Cổng TT thành phần cấp 3 gồm các xã phường, thị trấn và 26 trang thông tin điện tử liên kết. Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh là nơi cung cấp thông tin, trao đổi thông tin chính thống và công khai trên mạng internet của tỉnh. Đây cũng là địa chỉ cung cấp thông tin tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, đồng thời là công cụ giao tiếp hai chiều giữa cơ quan, đơn vị thuộc các tổ chức, cá nhân. Ông Cao Tường Huy đề xuất các cổng TTĐT Bộ, ngành, địa phương kết nối đồng bộ hơn để người dân cũng như các doanh nghiệp có thể giao tiếp nhanh hơn.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh, trong một xã hội thông tin và mạng xã hội phát triển như hiện nay, với vai trò của Cổng TTĐT Chỉnh phủ, các Bộ ngành, địa phương, tiếp tục phục vụ người dân càng ngày càng hiệu quả hơn để tiếp tục khẳng định vai trò là địa chỉ tin cậy cung cấp thông tin chính thức, chính thống, là cầu nối giao tiếp thông tin hai chiều giữa Chính phủ, giữa các Bộ, ngành với người dân và doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ: Trong các phương thức truyền thông hiện nay, Cổng TTĐT là một phương thức mới, còn nhiều dư địa phát triển, có tính chất riêng có, hấp dẫn thiết yếu và sát sườn với nhu cầu của người dân. Cổng TTĐT các cấp ngày càng có vai trò quan trọng, đã làm tốt chức năng đa dạng hóa các phương thức thông tin, đa nền tảng, nắm bắt được xu hướng thông tin, truyền tải kịp thời đến người dân và doanh nghiệp những quyết sách của Chính phủ.
Cổng TTĐT của các cơ quan nhà nước có thể giúp các phóng viên báo chí làm việc tốt hơn, đưa ra các thông tin nguồn, cách thức truyền tải thông tin vừa nhanh nhạy kịp thời, vừa chính thống. Từ đó, đưa Cổng TTĐT thành phương thức giao tiếp mà sau này người dân có thể tìm đến đầu tiên.
Theo ông Lâm, để tăng tương tác hơn, một số Cổng TTĐT đã triển khai các hình thức tương tác mới, hướng tới khai thác dữ liệu. Điển hình như Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội thông qua dữ liệu. Đây là dữ liệu sống, cập nhật thường xuyên, có nét mới, tương đối đột phá trong cách thức cung cấp thông tin đến người dân. Người dân có thể truy cập, tùy biến, sử dụng và đáp ứng nhu cầu của mình, tiếp cận thông tin mà mình muốn, thay vì tiếp cận dữ liệu thông qua hình ảnh, thông tin, dữ liệu một chiều, ở dạng tĩnh như trước đây.
Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Dự thảo Thông tư về quy định chức năng, tính năng kỹ thuật của các Cổng TTĐT, Trang TTĐT của các cơ quan nhà nước. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông rất mong nhận được đóng góp ý kiến của các cơ quan Bộ, ngành. Đồng thời, dưới góc độ quản lý nhà nước, Bộ cũng đang đặt ra việc giải quyết bài toán đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường năng lực nội tại của các cán bộ Cổng, kết nối và tạo nên những mô hình đào tạo để trau dồi năng lực nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác thông tin của các Bộ, ngành địa phương./.