Theo Tổng cục Thuế, thời gian qua, đơn vị đã thực hiện nhiều hình thức, giải pháp tuyên truyền, trao đổi, vận động trực tiếp các nhà cung cấp của nước ngoài để thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.
Theo đó, các nhà cung cấp của nước ngoài như Meta (Facebook), Google, Apple…; hoặc gián tiếp thông qua các đại sứ quán (có các nhà cung cấp nước ngoài lớn hoạt động tại Việt Nam), một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các đơn vị tư vấn thuế lớn như Ernst & Young, KPMG, PWC, Deloitte để đôn đốc các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thực hiện nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp của nước ngoài.
Tổng cục Thuế cho biết đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để thu thập thông tin, dữ liệu liên quan đến Netflix (là Công ty cung cấp dịch vụ giải trí truyền hình trực tuyến có trụ sở tại Hà Lan, cung cấp dịch vụ tại hơn 100 Quốc gia, trong đó có Việt Nam), trên cơ sở đó đã có các công văn đề nghị Netflix thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật thuế Việt Nam.
Netflix là công ty cung cấp dịch vụ streaming xuyên biên giới được thành lập tại Mỹ. Dù mới bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam vào cuối năm 2019 với việc ra mắt giao diện tiếng Việt, đến cuối năm 2020, nền tảng đã có khoảng 150.000 người dùng tại Việt Nam.
Về phía Netflix, vào năm 2020, đại diện đơn vị này từng lên tiếng cho biết, chính phủ các nước có toàn quyền quyết định về chính sách thuế ở tất cả quốc gia mà nền tảng này hoạt động và Netflix luôn tuân thủ các luật pháp hiện hành có thể áp dụng được của Việt Nam.
Trước yêu cầu mới nhất của Tổng cục thuế, đại diện phía Netflix cho biết, hiện đơn vị này đã thực hiện việc nộp thuế.
"Chúng tôi đã đăng ký với cục thuế ngay khi Cổng thông tin điện tử về thuế ra mắt vào năm 2022 và đã nộp các khoản thuế hiện hành từ khi cổng thông tin điện tử về thuế đi vào hoạt động" - đại diện Netflix cho biết.
Được biết, trước đó từ ngày 21/03, Tổng cục Thuế đã chính thức ra mắt Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.
Trên cổng này, nhà cung cấp nước ngoài có thể gửi hồ sơ và tra cứu, nhận các thông báo của cơ quan thuế về mã số thuế, số thuế phát sinh theo tờ khai, mã khoản nộp thuế để đơn giản hóa thông tin về khoản nộp thuế, hỗ trợ cho người nộp thuế dễ dàng thực hiện nộp thuế bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.
Kết quả triển khai đến ngày 15/08 đã có 30 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai thuế thành công.
Theo số liệu từ cơ quan thuế, giai đoạn 2018-2021, tổng số thuế thu được từ các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào khoảng 4.400 tỷ đồng. Trong đó, số thu từ Facebook là gần 1.695 tỷ đồng và từ Google là 1.618 tỷ đồng, Microsoft nộp 576 tỷ đồng...
Nếu tính riêng năm 2021, tiền thuế thu được từ các dịch vụ xuyên biên giới là 1.317 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020.
Tuy nhiên, đây chủ yếu là số tiền đến từ các đại lý quảng cáo của những nền tảng xuyên biên giới này tại Việt Nam đóng thay khoản thuế nhà thầu 10%. Trong khi khoản doanh thu chủ yếu mà Facebook, Google ghi nhận từ người sử dụng dịch vụ của các nền tảng tại Việt Nam lại chưa được quản lý và nộp thuế.
Ước tính, khoản thu đó chiếm tới 70% doanh thu của Facebook và 50% doanh thu của Google phát sinh tại thị trường Việt Nam mỗi năm.
Mới đây, Meta - công ty mẹ của Facebook cũng phát đi thông báo yêu cầu khách hàng từ Việt Nam đăng quảng cáo trên mạng xã hội này phải nộp thêm 5% thuế giá trị gia tăng (VAT) để doanh nghiệp tiến hành nộp thuế nhà thầu tại Việt Nam.