Tôm hùm rớt giá, ngư dân như ngồi trên lửa

Nhiều ngày qua, do không xuất khẩu sang Trung Quốc được do dịch COVID-19 nên tôm hùm rớt giá thảm hại.

Nhiều ngày qua, do không xuất khẩu sang Trung Quốc được, các thương lái phải đưa tôm hùm quay trở lại thị trường trong nước bán giá rẻ để tránh thua lỗ. Tùy theo trọng lượng, tôm hùm được bán với giá 400.000-600.000 đồng/kg.

Theo các thương lái, tôm hùm được mua tại các hộ dân đã có giá từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng/kg. Tất cả tôm hùm còn sống được chở lên cửa khẩu để xuất khẩu. Tôm hùm rất khó bảo quản lâu, nên nếu chờ thêm vài ngày nữa nguy cơ sẽ bị chết, buộc phải vứt bỏ, số tiền thua lỗ càng nặng hơn.

tom2-16300590160312112926224-1649238038.jpg
Tôm hùm rớt giá, ngư dân như ngồi trên đống lửa

Khảo sát các chuỗi hải sản lớn ở Hà Nội cho thấy, giá tôm hùm nội địa hiện giảm mạnh so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Đại diện hệ thống hải sản ở Hà Nội cho biết, vì Trung Quốc tăng cường kiểm soát phòng dịch, tôm hùm không thể xuất sang Trung Quốc nên người dân cũng không đánh bắt nhiều. Do đó tôm hùm loại 1,2kg/con trở lên cũng khan hàng.

Còn tại các vựa tôm hùm phía Nam, người nuôi tôm hùm cũng như đang ngồi trên lửa khi giá liên tục xuống thấp trong khi giá thức ăn ngày một tăng cao. Hơn thế nữa, thay vì mua số lượng cả tấn với giá cao để xuất khẩu thì nay thương lái ngừng thu mua hoặc chỉ mua nhỏ giọt với giá rẻ để tiêu thụ nội địa.

Anh Trương Quang trú tại Cam Lợi (Cam Ranh, Khánh Hoà) cũng lo sốt vó vì giá thức ăn cho tôm ngày một tăng theo giá xăng dầu trong khi giá bán lại ngày một xuống thấp.

“Bỏ công sức, tiền của suốt 9 tháng trời để nuôi 50 lồng tôm, giờ được thu hoạch thì giá xuống thấp. Với giá khoảng trên dưới 700.000 đồng/kg như hiện tại thì chỉ đủ tiền giống và thức ăn, còn người nuôi cả năm không những không có công mà còn lỗ cả tiền thuê người lặn”, anh Quang nói.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Lạng Sơn, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, 4 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh gồm: Quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng, Tân Thanh, Chi Ma đã thông quan hàng hóa trở lại.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tăng cường các biện pháp phòng dịch và kiểm soát chất lượng hàng nên một xe hàng thông quan kéo dài 40-50 phút. Năng lực thông quan tại mỗi cửa khẩu chỉ 5-69 xe mỗi ngày. Cửa khẩu Chi Ma là nơi có năng lực thông quan thấp nhất. Tính đến ngày 16/2, tổng lượng xe chở hàng hóa chờ xuất khẩu tồn tại 2.272 xe, tăng 340 xe so với ngày trước đó.


Anh Vân (t/h)