Tôi thích được gọi là cô phóng viên Trung Đông

Nhà báo Vũ Quang: Tạp chí Người làm báo số tháng 3/2020 có bài phỏng vấn nhà báo Vân Anh - phóng viên thường trú của VTV tại Trung Đông. Câu chuyện của chị khiến chúng ta hiểu hơn về công việc của phóng viên thường trú tại nước ngoài. Hơn thế góc nhìn của Vân Anh trong trả lời phỏng vấn sẽ gợi mở cho đồng nghiệp cách tư duy và sáng tạo tác phẩm trong cuộc sống đa dạng của thế giới hôm nay.

Công việc gì mà Vân Anh có thể làm suốt ngày mà không thấy chán?

- Dạ thưa nhà báo Vũ Quang, công việc tôi có thể làm suốt ngày là đọc các bí mật (người ta chưa biết hoặc đang khám phá) về các vùng đất hoặc vũ trụ hoặc sự lạ kỳ của tự nhiên. Nghe thì có vẻ xa xôi nhưng thực ra không hề, vì Vân Anh đặc biệt bị hấp dẫn bởi các kiến thức về vũ trụ, các hành tinh, các giả thuyết về nguồn gốc loài người… và rất may Vân Anh đã truyền tình yêu tìm hiểu đó cho cô con gái bé bỏng 6 tuổi của mình. Cháu bé rất hứng thú mỗi lần được nghe mẹ đọc về những câu chuyện đó.

(Ví dụ tháng 10 đoàn đi công tác Nepal, trước chuyến công tác, tôi dành cả 2 tuần để đọc về sự bí hiểm của những ngọn núi cao nhất thế giới, hành trình con người chinh phục đỉnh Everest như thế nào, thấy được tiếp thêm nhiều động lực để đi đến vùng đất mình chưa đặt chân đến bao giờ)

Chuyến đi nào đã làm thay đổi suy nghĩ của Vân Anh?

- Dạ chuyến đi Maroc năm 2018 thực sự thay đổi suy nghĩ của tôi.

Ở đó Vân Anh gặp nhiều người phụ nữ Việt Nam phải theo chồng về Maroc (họ từng là lính đánh thuê cho Pháp hồi chiến tranh Việt Nam, hồi hương về Maroc theo lệnh triệu hồi của Chính phủ Maroc năm 1972). Trước đó, trong tưởng tượng của tôi, khi những người phụ nữ (xưa hay bị gọi là me Tây) đã quyết định rời quê hương, theo chồng, là sẽ được đến nơi cuộc sống đủ đầy hơn, với tương lai  trọn vẹn hơn. Hóa ra không phải vậy, đồng bào mình trên thế giới nhiều nơi còn nghèo, còn khổ lắm, và nhiều thân phận không biết phải miêu tả như thế nào. Họ nhớ quê hương da diết nhưng không thể trở về, thậm chí có ai ngờ giữa xã hội hiện đại ngày nay mà có những hoàn cảnh không thể kết nối với người thân ở nhà sau hơn 40 năm, dù biết rõ họ đang ở đâu.

van-anh-1-1634374517.jpg
Nhà báo Vân Anh đưa tin từ hiện trường

                                                

Ba việc mà Vân Anh luôn muốn thực hiện?

- Một là đọc thêm được nhiều sách về Trung Đông.

- Hai là được đi khám phá thêm nhiều câu chuyện lạ trong địa bàn Trung Đông - Nam Á - Bắc Phi.

- Ba là một ngày có thêm nhiều giờ để có thêm thời gian chơi với con ạ!

Vân Anh  muốn được mọi người công nhận với tư cách nào trong nghề truyền hình?

Dạ chức danh nào với Vân Anh cũng đáng quý, nó ghi dấu từng bước trưởng thành trong công việc trong nghề nghiệp. Hiện tại tôi có cơ hội để kể chuyện cho khán giả nhiều hơn với tư cách một phóng viên thường trú VTV tại Trung Đông,  Vân Anh thích cái tên cô phóng viên Trung Đông mà anh chị em hay gọi.

Người thầy mà nhà báo Vân Anh luôn nhớ đến?

Cho đến tận bây giờ, và mãi mãi, Người Thầy truyền lửa về tình yêu và nhiệt huyết, mà tôi không bao giờ có thể quên được, đó là: Cô giáo chủ nhiệm cấp 3. Ở tuổi cấp 3 khi mọi thứ còn đang được định hình, từ lý tưởng sống, các ngã rẽ và hướng đi của cuộc đời, thì Vân Anh đã được tiếp thêm nhiều nghị lực và năng lượng để tìm ra được con đường mình muốn đi. Cô giáo chủ nhiệm của Vân Anh là người không may mắn, nếu không muốn nói là có một cuộc đời khá bất hạnh, nhưng tình yêu và sự lạc quan của cô đã khiến cho bất cứ ai được học cô đều cho rằng đó là may mắn lớn nhất. Cô dùng yêu thương để cảm hóa tội lỗi. Cho đến giờ, cô vẫn luôn đằng sau dõi theo ủng hộ cho các học trò. Nếu chúng tôi có thất bại, ngoài gia đình, bố mẹ, chúng tôi sẽ tìm về cô để kể và để khóc.

Cuốn sách gần nhất mà Vân Anh vừa đọc?

Hai cuốn sách Vân Anh mới đọc gần nhất, đó là: Con đường Hồi giáo, của tác giả Phương Mai (đọc lại sau 3 năm), và Quân Khu Nam Đồng (của tác giả Bình Ca). Cuốn Con đường Hồi giáo tiếp tục truyền cảm hứng để Vân Anh đi khám  phá mỗi ngày xứ sở Hồi giáo, một thế giới nhiều huyền bí nhưng vô cùng thú vị, nơi mình đang sống. Một quyển còn lại: Quân khu Nam Đồng, là để sống và trải nghiệm với những gì thế hệ cha anh đã trải qua thời chiến, mà Vân Anh vốn chỉ được nghe bố mẹ kể lại. Đọc quyển này cũng giúp mình đỡ cảm giác nhớ quê hương.

Một phóng viên hiện đại là người như thế nào trong suy nghĩ của Vân Anh?

Đối với tôi, một phóng viên hiện đại là một người có nhận thức chung về các vấn đề của xã hội. Bạn không cần phải giỏi trong tất cả các lĩnh vực, nhưng bạn nên nắm nhiều nguồn thông tin để cái nhìn là đa chiều. Thực ra, mạng xã hội bây giờ là một công cụ hai lưỡi, hãy phát huy tác dụng mặt tốt của nó, chứ đừng bị nó dẫn dắt; hay ngược lại, bạn không thể chủ quan dẫn dắt độc giả của bạn. Một điều rất quan trọng nữa, trong xu thế báo chí hiện đại, bạn cần biết, thậm chí là phải giỏi ít nhất một ngoại ngữ. Vân Anh nói thế, bởi vì nếu bạn có kinh nghiệm làm báo trong nước, bạn gây dấu ấn bởi nhiều phương pháp báo chí truyền thống là rất đáng ghi nhận, nhưng trong thời buổi bùng nổ thông tin, khán giả của bạn đến từ nhiều nguồn khác nhau, và làm chủ nhiều công nghệ khác nhau, thì bạn cũng nên tiếp cận với những phương thức báo chí khác. Khán giả số thậm chí còn áp đảo hơn khán giả hay độc giả truyền thống. Với thế giới, có rất nhiều loại hình báo chí mà cách thể hiện mới lạ mà bạn có thể học hỏi. Để hiểu rõ bản chất của sự việc và vấn đề, bạn cần giỏi một ngoại ngữ. Đó là yếu tố Vân Anh nghĩ một phóng viên hiện đại rất cần.

Là một phóng viên thường trú của VTV ở Trung Đông, Vân Anh nghĩ sao về quan điểm ”Phóng viên là người săn tin. Đừng biến mình thành tin tức”?

Đây đúng là câu nói mà nhóm anh em phóng viên VTV Trung Đông luôn nhắc nhở nhau. Các anh em chúng tôi tác nghiệp ở một khu vực nóng cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Nên luôn luôn phải biết khéo léo lựa chọn thời điểm, hoàn cảnh để tin tức mang lại cho khán giả là nhanh nhất, sát nhất, nhưng phải ở giới hạn an toàn. Nói đơn giản ví dụ như thế này: tháng 3 năm ngoái, ê kíp gồm Trưởng đại diện Cơ quan VTV Trung Đông phóng viên Lê Anh Phương cùng quay phim Phùng Đức Sơn có chuyến công tác Bờ Tây, Palestine trong lúc 2 bên Israel- Palestine đang giao tranh bằng đạn pháo, hơi cay vào ngày thứ 6 đen tối. Lựa chọn như thế nào đây, vì nếu không phản ánh là mình từ chối tin tức, còn nếu phản ánh thì phải như thế nào để đảm bảo an toàn cho ê kip, lại ko mang lại cảm giác hoang mang cho khán giả. Và ê kip đã có lựa chọn khéo léo kịp thời, vừa mang lại tin tức sống động nhất, vừa đảm bảo an toàn cho cả 2 anh em. Sau chuyến đó, anh em về cũng bàn bạc thống nhất thêm nhiều nguyên tắc tác nghiệp hiện trường. Với phóng viên, sự an toàn luôn phải được đặt trên hết.

van-anh-2-768x432-1634374822.jpg
Nhà báo Vân Anh trò chuyện với nhân vật

Bộ phim tài liệu mà Vân Anh và Anh Phương ấp ủ thực hiện?

Đó là một bộ phim mà chúng tôi đi xuyên Maroc, để gặp, lắng nghe và chia sẻ nỗi nhớ quê hương với hầu hết những bà mẹ, người vợ Việt Nam theo chồng về Maroc cách đây gần 50 năm. Trong chuyến đi tới quốc gia Bắc Phi Maroc mùa thu năm ngoái, chúng tôi đã lái xe từ Bắc tới Nam để gặp được hết những người muốn gặp, những người mà gần 50 năm trôi qua, gần như không được gặp người Việt hay nói tiếng Việt. Như quý vị biết, binh đoàn lính Lê Dương (Légion) thời Pháp xâm chiếm Đông Dương, có hàng trăm người lính Maroc (Bắc Phi, hồi đó là thuộc địa của Pháp) đã yêu và cưới các cô gái ở các làng quê Việt Nam ở tuổi 19 đôi mươi phơi phới… Khi chiến tranh kết thúc, năm 1972, chính phủ Maroc triệu hồi người con Maroc về quê hương. Rất nhiều người vợ, người con theo chồng/cha về Maroc. Bẵng đi gần 50 năm, vì hoàn cảnh kinh tế, vì sự tủi hổ, vì tiếng xấu “me Tây đen”… những người phụ nữ ấy giờ đã hơn 80 xuân, mòn mỏi nhớ quê hương trong nỗi nhớ thương đau đáu, nghẹn ngào. Việt Nam với họ, giờ quá xa xăm, chứ đâu chỉ là ở 18 giờ bay như chúng ta đơn thuần vẫn nghĩ… Chiến tranh và những nỗi đau. Các câu chuyện vừa nghe vừa rơi nước mắt. Chúng tôi ấp ủ làm một bộ phim tài liệu mang tên: Tiếng gọi quê hương, nhưng còn một vài chất liệu chưa xong mà chúng tôi cần bổ sung nữa. Hy vọng khi hoàn thiện nó sẽ mang lại cái nhìn đa chiều cho khán giả Việt Nam về những người phụ nữ vì hoàn cảnh phải lưu vong xa xứ.

Kỹ năng nào mà Vân Anh muốn bổ xung cho bản thân trong tác nghiệp?

Đó là tự mình có thể bắt máy để chộp được những khoảnh khắc quan trọng khi tác nghiệp ạ. Một phóng viên hiện đại cũng nên trang bị đủ các kỹ năng không chỉ phóng viên mà còn nên là một quay phim nghiệp dư nữa, bởi khi bạn đi theo ê kip là tốt, nhưng khi đồng nghiệp quay phim của bạn đang bận theo sự kiện, mà ngay lúc đó, có những khoảnh khắc khác quan trọng diễn ra, nhưng bạn lỡ không ghi lại được, thì quả là một điều đang tiếc. Anh Phương cũng chỉ dẫn Vân Anh nhiều về kỹ năng này, nhưng kỳ thực, về điều này, tôi còn phải học hỏi thêm rất nhiều.

Nhà báo Lê Anh Phương trong suy nghĩ của Vân Anh là người như thế nào?

Về khía cạnh nghề nghiệp, vì là đồng nghiệp với nhau cũng đã lâu, tới 11 năm, cùng dõi theo quá trình làm việc, trưởng thành trong nghề của nhau, nên với Vân Anh có 3 từ có thể nói về phóng viên Anh Phương: nhanh nhạy, quyết đoán và lăn xả. Về vai trò trong gia đình thì Anh Phương là một người chồng, người cha khá kỹ tính nhưng Hết mực vì gia đình.

Điều gì mà Vân Anh ấp ủ sau từng ấy năm sống và làm việc tại Trung Đông?

Trung Đông với khán giả Việt Nam có lẽ còn là một xứ sở nhiều ẩn số, nhiều điều còn lạ lẫm. Mặc dù qua gần 3 năm thường trú VTV Trung Đông có mặt và gửi đến quý khán giả hàng trăm câu chuyện về văn hóa, con người, lối sống tại đây, nhưng kỳ thực còn hàng ngàn điều bí mật đang đón chờ khám phá. Vân Anh là một người thích đi, thích viết và thích ghi lại bằng hình ảnh. Ở những nơi điều kiện tác nghiệp khó thì mình có máy ảnh, mình có điện thoại… Nên đến đâu Vân Anh cũng tranh thủ ghi lại những điều lạ lẫm, thu hút. Có những câu chuyện tôi đã chia sẻ trên mạng xã hội cá nhân, có những câu chuyện thì chỉ lưu lại trong nhật ký. Vậy nên, trong tương lai Vân Anh rất mong muốn có thể cho ra đời được một tác phẩm “Trung Đông- truyện kể dọc đường” để kể lại những điều phóng viên thường trú Trung Đông đã mắt thấy tai nghe, có những chuyện đã phát sóng hoặc không, nhưng chắc chắn sẽ là lần đầu tiên khán giả, độc giả được nghe, được biết. Sứ mệnh và niềm hạnh phúc của một phóng viên, nhà báo trẻ như mình, là được mang thông tin và câu chuyện đến cho khán giả. Và khi được mọi người đón nhận, thì có lẽ không niềm hạnh phúc nào bằng.

Mong rằng cuốn sách sẽ sớm ra mắt bạn đọc và những khán giả yêu mến VTV Trung Đông.

Chúc Vân Anh hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp!