Tiêu dùng xanh ngày 9/9: Giá cà phê trong nước giảm 200 đồng/kg

Ghi nhận thông tin tiêu dùng xanh ngày 9/9 cho thấy, giá cà phê trong nước hôm nay giảm 200 đồng/kg. Hiện giá cà phê dao động từ 47.600 - 48.200 đồng/kg.

Giá cà phê trong nước hôm nay

Giá cà phê hôm nay, ngày 9/9 có giá dao động từ 47.600 – 48.200 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg so với hôm qua (8/9).

Cụ thể, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk ở các huyện Cư M’gar, huyện Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua với giá 48.200 đồng/kg.

Tại các địa phương còn lại, giá cà phê tại tỉnh Gia Lai và tỉnh Đắk Nông, Kon Tum được thu mua ở mức 48.100 đồng/kg (trừ lùi 100 đồng/kg tại khu vực thành phố Pleiku và huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai).

Giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Di Linh, Bảo Lộc có giá 47.600 đồng/kg.

gia-ca-phe-hom-nay-129-2-1662681263.jpg
Tiêu dùng xanh ngày 9/9: Giá cà phê trong nước giảm 200 đồng/kg. Ảnh minh họa.

Biến động giá cà phê thế giới

Giá cà phê liên tục đảo chiều, trong khi chỉ số USDX liên tục dao động xung quanh mức cao 20 năm khiến nhà đầu tư hàng hóa nói chung phải vội vàng rời bỏ thị trường. Dù cà phê Robusta có phiên tăng giá mạnh, nhưng nhìn chung khi đồng USD tiếp tục tăng so với rổ tiền tệ và hàng hóa. Cà phê tạm thời không được dòng tiền đầu cơ ưu ái rót vào nên áp lực giảm giá trước mắt vẫn còn.

Chốt phiên giao dịch ngày 8/9, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London, kỳ hạn giao tháng 11/2022 tăng mạnh 38 USD (1,70%), giao dịch tại 2.276 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 1/2023 tăng 32 USD (1,44%), giao dịch tại 2.255 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York giảm mạnh, kỳ hạn giao tháng 12/2022 tiếp tục giảm 1,05 Cent (0,47%), giao dịch tại 222,20 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 0,65 Cent/lb (0,30%), giao dịch tại 216,7 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.

Tại cuộc họp, Hội đồng điều hành ECB quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, trong khi thường chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm và chưa từng tăng lãi suất ở mức này kể từ khi đồng euro ra đời vào năm 1999.

Việc tăng mạnh lãi suất nhằm tăng chi phí đi vay của người dân, các chính phủ và doanh nghiệp, điều mà về lý thuyết sẽ làm giảm tốc độ chi tiêu và đầu tư, và hạ nhiệt lạm phát thông qua việc làm giảm nhu cầu hàng hóa.

Việc ECB tăng lãi suất có thể làm nghiêm trọng thêm suy thoái ở kinh tế ở châu Âu vào cuối năm nay và đầu năm tới theo dự báo, do giá cả từ hàng tiêu dùng đến năng lượng tăng. Giá năng lượng đã vượt tầm kiểm soát của ECB, nhưng ngân hàng này cho rằng tăng lãi suất sẽ ngăn chặn việc lạm phát được cho là lý do cho việc tăng lương.

Nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Berenberg, Holger Schmieding, cho rằng giá năng lượng và các chương trình hỗ trợ của chính phủ cho người tiêu dùng sẽ có tác động lớn hơn đến lạm phát và mức độ nghiêm trọng của suy thoái (nếu xảy ra) hơn so với chính sách tiền tệ.

Chứng khoán Mỹ sụt giảm trước khi thị trường đóng cửa sau một phiên liên tục đảo chiều phản ánh sự tác động tích cực của các dữ liệu kinh tế Mỹ gần đây lên Phố Wall với khả năng Fed sẽ mạnh tay hơn tại phiên họp chính sách tháng 9. Một USD mạnh sẽ khiến thị trường giảm sức mua vì giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ.

Trong một thông báo gửi đến khách hàng, ngân hàng đầu tư Rabobank đã điều chỉnh giảm nguồn cung cà phê toàn cầu bớt 1,92% trong niên vụ 2022/2023 xuống ở mức 169 triệu bao và vẫn giữ nguyên nhu cầu tiêu thụ toàn cầu ở mức 170,30 triệu bao. Do đó, nguồn cung toàn cầu sẽ thiếu hụt 1,3 triệu bao, nếu được chứng minh bằng các dữ liệu thị trường, sẽ hỗ trợ cho giá cà phê kỳ hạn trong những tháng tới.

Anh Vân (t/h)