Tiềm năng và thế mạnh tạo bước đột phá trong ngành thủy sản ở Thanh Hóa

Với điều kiện thuận lợi, những năm qua Thanh Hóa đã nỗ lực tạo nên sự đột phá, đưa ngành thủy sản phát triển vững mạnh, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
the-manh-thuy-san-1699065193.jpg
Thanh Hóa là địa phương có thế mạnh và tiềm năng để phát triển thủy sản.

Thanh Hóa có bờ biển dài 102 km, với vùng biển rộng 17.000 km2, là một trong những ngư trường quan trọng, có tính đa dạng sinh học cao. Dọc bờ biển Thanh Hóa có 7 cửa lạch lớn nhỏ, trong đó, có 5 cửa lạch lớn là Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Ghép, Lạch Bạng, đã tạo nên hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản và là một trong những tỉnh có tiềm năng nuôi trồng thủy sản lớn nhất vùng Bắc Trung bộ.

Vùng ven biển gồm 6 huyện, thị xã, thành phố, với 45 xã, phường và là nơi tập trung phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh, bao gồm nuôi trồng, khai thác, dịch vụ hậu cần và chế biến thủy sản, thu hút khoảng 26.000 lao động tham gia trực tiếp trên biển.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh về biển, cùng với sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, nhằm phát triển thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn mà mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Ngành thủy sản tại Thanh Hóa trong những năm qua đã có bước phát triển vượt bậc.

Theo số liệu thống kê, đến nay, toàn tỉnh có 5.877 tàu cá đang hoạt động khai thác hải sản, trong đó có 4.038 tàu cá chiều dài dưới 12 m hoạt động ven bờ, 700 tàu dài từ 12 m đến dưới 15 m hoạt động vùng lộng, 1.109 tàu dài trên 15m hoạt động vùng khơi. Trữ lượng khai thác hải sản vùng biển của tỉnh ước khoảng 165.000 tấn/năm.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh khoảng 19.200 ha, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ 4.100 ha (tôm sú 3.400 ha, tôm thẻ chân trắng 700 ha), sản lượng ước khoảng 13.500 tấn/năm; diện tích nuôi ngao 1.000ha, sản lượng khoảng 18.000 tấn/năm; diện tích nuôi nước ngọt 14.100 ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm.

Ngoài ra, còn có khoảng 70.000 m3 thể tích nuôi lồng bè với 3.654 lồng nuôi cá biển và 2.086 lồng nuôi cá nước ngọt, sản lượng khoảng 1.500 tấn/năm. Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng trong 10 tháng năm 2023 ước đạt 180.078 tấn, giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt khoảng 5.648 tỷ đồng (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022).

Dự kiến, tổng sản lượng thủy sản năm 2023 ước đạt 211.500 tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 138.000 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 73.500 tấn, giá trị sản xuất ngành thủy sản ước đạt 6.830 tỷ đồng.

Về chế biến, tiêu thụ thủy sản, những năm gần đây cũng được tỉnh Thanh Hóa quan tâm phát triển. Trên địa bàn tỉnh hiện có 22 doanh nghiệp chuyên chế biến, kinh doanh thủy sản với tổng công suất khoảng 170 nghìn tấn nguyên liệu/năm.

Ngoai ra, còn có khoảng hơn 460 hộ gia đình tham gia chế biến thủy sản. Tỷ lệ sản phẩm được đưa vào chế biến chiếm khoảng 43,7% tổng sản lượng, còn lại là tiêu thụ dạng thô. Sản lượng một số sản phẩm chế biến thủy sản hàng năm gồm nước mắm 13,354 triệu lít, bột cá 22,2 nghìn tấn, chả cá surimi 65 nghìn tấn, ngao hấp, ngao đông lạnh 10.500 tấn, thủy sản đông lạnh 22.440 tấn,...

Đến nay, toàn tỉnh có 48 sản phẩm lĩnh vực chế biến thủy sản được chứng nhận OCOP từ 3-5 sao, trong đó có 1 sản phẩm Mắm tôm Lê Gia được chứng nhận OCOP 5 sao.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản của tỉnh Thanh Hóa chủ yếu qua các kênh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Trên địa hiện có 06 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản chính ngạch như: Công ty CP XNK thủy sản Thanh Hóa, Công ty CP TM vận tải và chế biến hải sản Long Hải, Công ty CP bột cá Thanh Hoa, Công ty CP Sông Việt Thanh Hóa, Công ty CP công nghiệp thủy sản Nam Thanh, Công ty TNHH thực phẩm và thương mại dịch vụ Lê Gia.

Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ yếu gồm: chả cá surimi, ngao đông lạnh, ngao sấy khô, hải sản đông lạnh, bột cá, nước mắm, mắm tôm, mắm tép... Hàng thủy sản chế biến của tỉnh đã được xuất khẩu đến nhiều thị trường như: thị trường Châu Á (chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan); thị trường Châu Âu (chủ yếu là Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hoa Kỳ, Úc).

Năm 2022, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 134 triệu USD (trong đó chính ngạch khoảng 90,2 triệu USD, tiểu ngạch 43,8 triệu USD); năm 2023, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 118,2 triệu USD (chính ngạch khoảng 74,5 triệu USD, tiểu ngạch khoảng 43,7 triệu USD).

Với lợi thế lớn về vùng biển và hệ thống sông ngòi, những năm qua, ngành thủy sản của tỉnh đã có những bước phát triển tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thủy sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn do quy mô sản xuất thủy sản còn nhỏ, lẻ, phân tán, số lượng tàu cá khai thác vùng khơi còn ít, năng lực khai thác thủy sản còn hạn chế, trình độ nhận thức của một bộ phận ngư dân còn hạn chế, vi phạm các quy định trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU vẫn còn diễn ra.

Hà Khải