Kinh tế đồ uống nhìn từ góc độ văn hoá

Ngày 29/6, tại Hà Nội, Tạp chí Đồ uống Việt Nam phối hợp Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam tổ chức hội thảo "Văn hóa uống và trách nhiệm với cộng đồng".

Ngành Đồ uống có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế

van-hoa-1-1688054793.jpg
Hội thảo “Văn hóa uống và trách nhiệm với cộng đồng” thu hút đông đảo các nhà văn hóa, chuyên gia ẩm thực tham gia

Được biết, ngành kinh tế đồ uống đã đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, khoảng 3,2% tổng thu ngân sách nhà nước (năm 2020). Hàng loạt doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này cũng đóng góp ngân sách với những con số "khủng", điển hình như năm 2019 đạt mức 56,665 nghìn tỷ đồng. Mỗi năm, toàn ngành đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 60.000 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, việc sản xuất, kinh doanh đồ uống còn tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, bao gồm cung ứng nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất, bao bì, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, phân phối, dịch vụ tiêu thụ trực tiếp...

Văn hóa uống của người Việt Nam rất khác

Tham luận tại hội thảo, nhiều đại biểu đều có chung nhìn nhận, việc sử dụng rượu, bia là thói quen, văn hóa từ ngàn đời nay ở Việt Nam.

Các chuyên gia văn hóa ẩm thực thừa nhận: Văn hóa uống rượu, bia của người Việt Nam rất khác với văn hóa uống rượu bia của người nước ngoài nói chung. Nếu người nước ngoài coi uống rượu bia là một lễ nghi xã giao trang trọng, thì người Việt Nam hướng đến một cuộc vui trọn vẹn không câu nệ.

van-hoa-2-1688054859.jpg
“Việc tổ chức tuyên truyền vận động người tiêu dùng sử dụng đồ uống có văn hóa, có trách nhiệm, vì sự phát triển bền vững”, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Đồ uống Việt Nam nói

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Đồ uống Việt Nam cho rằng, đồ uống nói chung bao gồm bia, rượu, nước giải khát và đồ uống có cồn nói riêng là sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng, vừa mang tính thiết yếu, vừa gắn liền với những đặc trưng văn hóa. Việc tổ chức tuyên truyền vận động người tiêu dùng sử dụng đồ uống có văn hóa, có trách nhiệm, không lạm dụng đồ uống có cồn, “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng, vì sự phát triển bền vững.

Rượu, bia là chất xúc tác gắn kết con người, giúp con người giải tỏa áp lực bộn bề, hạnh phúc hơn,… Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu, bia, hay sử dụng rượu, bia quá đà, vô độ lại phản tác dụng, thậm chí trở thành vấn nạn, tệ nạn trong xã hội.  Thực tế chỉ ra, các loại rượu, bia cũng được xem như một loại đồ uống không thể thiếu trong nhiều sinh hoạt đời sống của mỗi người. Tuy nhiên, việc sử dụng rượu, bia cần phải điều độ, đặc biệt là phải uống có văn hóa, có trách nhiệm.

Một bộ phận hiểu sai về văn hóa uống rượu bia gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí dẫn tới những hệ lụy không đáng có. Cho nên, muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa này cần phải có sự chừng mực, uống có trách nhiệm, uống văn minh, lấy niềm vui là chính, không thúc ép và hơn thua trên bàn tiệc.

“Uống có văn hóa, có trách nhiệm là có trách nhiệm với chính bản thân người uống, với gia đình, xã hội và với luật pháp. Cả xã hội cần phải thực thi việc uống có trách nhiệm để tránh những hệ lụy xấu. Theo đó, kiến nghị chính sách phòng, chống lạm dụng đồ uống có cồn cần thực hiện tốt các quy định về an toàn giao thông (các hình thức xử phạt, luật giao thông đường bộ…).”, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam nhận định.

Trần Minh