Thủ tướng: Đề xuất mục tiêu đưa nước ta thuộc nhóm từ 30-35 nền kinh tế lớn trên thế giới

Thủ tướng lưu ý cần bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp đột phá để tạo ra các động lực mới, xung lực mới cho giai đoạn 2026 – 2030 nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Là nước đứng trong top 30-35 nền kinh tế trên thế giới.

Sáng 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu ban KT-XH, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng (Tiểu ban Kinh tế - Xã hội) chủ trì Phiên họp Thường trực Chính phủ với Thường trực Tiểu ban KT-XH để cho ý kiến dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2026 -2030.

thu-tuong-phat-trien-kinh-te-1-1725866820.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đề xuất mục tiêu đưa nước ta thuộc nhóm 30-35 nền kinh tế lớn trên thế giới. (Ảnh VGP)

Dự Phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Lê Thành Long, Bùi Thanh Sơn, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương là thành viên của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội.

Tại phiên họp, các đại biểu báo cáo, thảo luận việc tiếp thu, giải trình và bổ sung các nội dung đã được Bộ Chính trị cho ý kiến để hoàn thiện thêm một bước đối với dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030.

Trong đó, nêu rõ sự lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước; các kết quả đạt được, nhất là các chỉ tiêu chính, điểm nhấn của nhiệm kỳ; những khó khăn, hạn chế; nguyên nhân của cả kết quả và hạn chế; các bài học kinh nghiệm; các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đột phá, điểm nhấn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới để hoàn thành các mục tiêu mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra.

Trong không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, các thành viên Tiểu ban đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến cho Dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026 - 2030.

thu-tuong-phat-trien-kinh-te-2-1725866803.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng chủ trì Phiên họp. (Ảnh VGP)

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu ban ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các thành viên Tiểu ban và các đại biểu dự họp; yêu cầu Tổ Biên tập nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Tiểu ban, khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Báo cáo.

Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban đánh giá, dự thảo Báo cáo có kết cấu hợp lý, thể hiện rõ tinh thần đổi mới và nêu khá nổi bật những vấn đề cốt lõi; cơ bản nêu được những nét mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai Chiến lược 10 năm; những kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức mới, vượt dự báo; xác định nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm; cơ bản dự báo tình hình thời gian tới để trên cơ sở đó đề ra định hướng, quan điểm và nhiệm vụ giải pháp cho giai đoạn tới.

thu-tuong-phat-trien-kinh-te-3-1725866869.jpg
Thủ tướng chủ trì họp cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030. (Ảnh VOV)

Thủ tướng lưu ý về mục tiêu không thay đổi nhưng cần bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp đột phá để tạo ra các động lực mới, xung lực mới cho giai đoạn 2026 – 2030 nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Là nước đứng trong top 30-35 nền kinh tế trên thế giới.

Đặc biệt để tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế Thủ tướng yêu cầu phải đổi mới tư duy, phát triển đồng bộ tất cả các lĩnh vực, và phải có những điểm bứt phá trong một số lĩnh vực, nhất là hoàn thiện thể chế. Đồng thời nhấn mạnh việc phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đổi mới khoa học công nghệ, chú trọng vào hạ tầng số, hạ tầng giao thông đặc biệt là các dự án đường sắt tốc độ cao. Cùng với đó tăng cường phân cấp phân quyền, đấu tranh phòng chống tham nhũng nhưng phải tạo điều kiện cho phát triển./.

PV