Xã Kỳ Nam (Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) được coi là thủ phủ trồng mai vàng tại Hà Tĩnh. Mai nơi đây đã chinh phục được người tiêu dùng, loài hoa 5 cánh, vàng tươi, nở vào đúng dịp tết nguyên đán, có mùi thơm hấp dẫn. Càng những ngày giáp tết, cảnh thương lái, người dân ra vào các nhà vườn để xem và đặt cây lại càng nhộn nhịp.
Là địa bàn chủ yếu là đồi núi, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, nhưng ở đây lại là nơi cây mai phát triển tốt. Hàng chục năm qua, người dân xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư, phát triển trồng cây mai vàng.
Trước đây mai chủ yếu mọc hoang, người dân nơi đây đưa về trồng mỗi nhà ít cây để chơi. Nhưng dần dần người dân thấy cây mai mang lại hiệu quả kinh tế nên đã phát triển ngày càng nhiều. Hộ ít cũng cả trăm cây, hộ nhiều cả ngàn cây.
Là người có thâm niên trồng mai hơn 30 năm, chị Bùi Thị Bình (thôn Tân Tiến, xã Kỳ Nam) hiện có 3.000 gốc mai tuổi đời từ 7 năm đến 30 năm tuổi. Tại vườn mai nhà chị, nhiều cây đã được khách đặt và đánh dấu để chờ ngày đến lấy.
Chị Bình chia sẻ với phóng viên: Những gốc mai tại vườn của tôi có giá từ 5 đến 50 triệu/gốc. Khách họ đến tận vườn chọn và đưa về. Mỗi năm thu nhập từ mai của gia đình cũng từ 300 - 500 triệu đồng.
Với các vườn mai tại đây, từ giữa tháng 11 âm lịch đã có khách đến xem mai và đặt trước. Nhưng nhộn nhịp nhất là từ khoảng 15 tháng chạp trở đi. Khách đến thăm vườn, chọn được cây ưng ý sẽ đánh dấu gốc cây và đặt tiền cọc, gần tết sẽ đến lấy về chưng tết.
Để mai nở đúng vào dịp tết, tùy vào thời tiết, để các chủ vườn tuốt lá, tưới cây để điều chỉnh cây cho hoa đúng vụ.
Từ ngày 15-25/11 âm lịch, bà con sẽ bắt đầu tỉa lá và theo dõi sát thời tiết để điều chỉnh lượng tưới cũng như bổ sung các dưỡng chất để tăng sức cho cây mai.
Tỉa lá được xem là một trong những khâu chăm sóc có yếu tố quyết định trong việc thành bại của vụ hoa. Bởi rằng, khi cây không còn lá sẽ tập trung chất dinh dưỡng nuôi nụ hoa để nở đúng dịp.
“Trước khi tỉa lá cũng cần xem xét thời gian, thời tiết, kiểm tra kích cỡ nụ hoa để thực hiện các bước chăm sóc cho phù hợp. Như vậy hoa mới nở đúng dịp tết được”- chị Bình cho biết thêm.
Nguyễn Viết Xuân ở thôn Tân Thành, xã Kỳ Nam phóng viên biết: Vườn chúng tôi trước đây đã trồng đủ loại cây nhưng hiệu quả kinh tế không có do đất đai quá cằn cỗi, chủ yếu là đá, thời tiết nắng nóng, gió Lào…nên có khi trồng cây không có để thu hoạch. Nhưng từ khi chuyển sang trồng mai thấy đất đai ở đây khá phù hợp, cây mai phát triển tốt. Với gia đình tôi cũng như người dân địa phương thì hiện nay Mai là loại cây chủ lực của kinh tế gia đình. Mỗi năm thu nhập từ mai của gia đình từ 200 - 250 triệu đồng.
Người trồng mai nơi đây không phải đưa đi bán, mỗi năm, vào dịp cuối năm các thương lái và các khách hàng lâu năm tìm đến để mua cây.
Những người có nhiều kinh nghiệm cho hay, cây mai không quá khó tính nhưng đòi hỏi người trồng phải biết cách dựa vào thời tiết và sự phát triển của mỗi cây để chọn thời điểm tỉa lá phù hợp. Công đoạn này nếu được thực hiện chính xác, cộng với thời tiết không có diễn biến bất thường sẽ giúp hoa nở đúng dịp, quyết định mùa trồng mai thắng lợi.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến - Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Nam cho biết: "Hiện nay, toàn xã Kỳ Nam có khoảng 2 ha trồng mai, với 50 hộ tham gia trồng trong đó có 22 hộ trồng với số lượng từ 200-800 gốc... Mai được trồng tại vườn nhà và cả vườn đồi. Thực sự cây mai đã mang lại thu nhập khá cho người dân tại địa phương chúng tôi. Vì thấy được hiệu quả của cây mai vàng nên chính quyền địa phương và người dân đang mở rộng diện tích.