Thu nhập ổn định cho người nuôi ong mật tại Cao Bằng

Là một tỉnh miền núi, có khí hậu mát mẻ và diện tích rừng rộng, nhiều loài hoa, thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân Cao Bằng.
mat-ong-1695264505.jpg
Cao Bằng nổi tiếng với mật ong hoa nhãn. Ảnh minh họa

Toàn tỉnh Cao Bằng hiện có hơn 330 nghìn ha rừng tự nhiên và hàng chục nghìn ha rừng trồng phân tán. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều năm trở lại đây, nghề nuôi ong lấy mật đang mở ra hướng phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo cho nhiều nông hộ tại tỉnh Cao Bằng. Đồng thời, nghề nuôi ong lấy mật còn có vai trò quan trọng trong việc thụ phấn cho cây trồng, làm tăng năng suất và chất lượng mùa màng, đảm bảo tính đa dạng sinh học của các loài thực vật và bảo vệ môi trường sinh thái.

Mật ong từ hoa nhãn có hương vị ngọt ngào, thơm mát, có màu sắc đẹp và đặc biệt có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe và làm đẹp, nên được thị trường ưa chuộng. Do đó, người nuôi ong thường tập trung vào việc khai thác mật trong mùa hoa nhãn, thời điểm hoa nở rộ là mật có hương vị ngon nhất trong năm.

Với nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2023, lần đầu tỉnh Cao Bằng có hai sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đó là mật ong Đoàn Linh, ở xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình và mật ong Hoàng Tung, ở xã Hoàng Tung, huyện Hòa An. Đây được xem là bước khởi đầu quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, nâng cao chất lượng thương hiệu, uy tín của các sản phẩm mật ong tại địa phương, từ đó, tiếp tục mở rộng thị trường.

Để hỗ trợ cho người dân địa phương đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm từ ong, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã liên tục được tổ chức thời gian qua. Để kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương tập trung thực hiện kế hoạch xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình cung, cầu thị trường hàng hóa nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực đang vào vụ thu hoạch để kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Hương Lan