Tuy nhiên, cho đến nay xã hội vẫn chưa có sự hiểu biết thấu đáo về những gì EGD mang lại – nguy cơ hay triển vọng. Bài viết sau đây lý giải điều đó và một số vấn đề khác.
Khủng hoảng khí hậu là một trong những vấn nạn chính của thế kỷ XXI. Mặc dù vậy, người ta thường cho rằng bất kỳ sáng kiến khí hậu nào cũng có tác hại đối với sự phát triển kinh tế và gây phiền phức cho hoạt động kinh doanh ở những mức độ khác nhau.
Thực ra, trong điều kiện phát triển bền vững, chính các sáng kiến trung hòa về khí hậu là động cơ để xây dựng một nền kinh tế bền vững và có tính cạnh tranh.
Phức tạp nhất trong vấn đề này là quá trình chuyển đổi từ nền công nghiệp “carbon” sang công nghiệp “xanh”, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển có nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu nguyên liệu thô. Để giải quyết vấn đề này, mới đây, các thành viên Nghị viện châu Âu đã giới thiệu Thỏa thuận “xanh”châu Âu, một sáng kiến nhằm biến châu Âu thành lục địa trung hòa về khí hậu đầu tiên trên thế giới trước năm 2050.
Những điều khoản chính của Thỏa thuận “xanh” gồm: ứng phó với những thách thức của vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu và ô nhiễm môi trường; xác định EU là nhà lãnh đạo toàn cầu về phát triển nền kinh tế tuần hoàn; chuyển sang hệ thống lương thực bền vững; tạo điều kiện cạnh tranh để phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, v.v...
Thỏa thuận “xanh” châu Âu là gì?
Ngày 11 tháng 12 năm 2019, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, đã chính thức giới thiệu về Thỏa thuận “xanh” tại Nghị viện châu Âu. Thỏa thuận bao gồm các xu hướng chính - chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, đấu tranh chống biến đổi khí hậu, xây dựng và đổi mới, công nghiệp bền vững và cơ động, giảm ô nhiễm môi trường xung quanh, đa dạng sinh học, chính sách nông nghiệp ổn định.
Mặc dù trọng tâm của Thỏa thuận “xanh” là chính sách khí hậu, nhưng thỏa thuận mới này của châu Âu lại thiên về hiện đại hóa nền kinh tế và, như một hệ quả, kích thích tăng trưởng kinh tế trong sự hài hòa giữa con người và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của hành tinh. Ví dụ, trong khuôn khổ sáng kiến này, dự kiến "tài trợ xanh" và đầu tư 260 tỷ euro hàng năm cho đến năm 2030. Tất cả các khoản tài trợ của Thỏa thuận “xanh” sẽ tập trung ưu tiên cho các sáng kiến “xanh”.
Theo bà Ursula von der Leyen, “Thỏa thuận “xanh” về cơ bản là nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế châu Âu và các mô hình tiêu dùng. Đồng thời, bất chấp những thay đổi căn bản có thể xẩy ra trong hệ thống năng lượng đang được thảo luận ở cấp cao nhất, Thỏa thuận “xanh” châu Âu cũng sẽ kéo theo những thay đổi trong mối quan hệ của Liên minh châu Âu với các nước láng giềng”.
Cải cách cơ cấu triệt để sẽ thay đổi mô hình thương mại và đầu tư của châu Âu. Năm 2019, EU đã nhập khẩu hơn 320 tỷ euro tài nguyên, phần lớn từ Liên bang Nga. Việc giảm mua khí đốt và dầu mỏ trên quy mô lớn sẽ dẫn đến tái cấu trúc quan hệ của EU với các nhà cung cấp chính. Các nước như Nga, Algeria và Na Uy cuối cùng sẽ mất thị trường xuất khẩu chính của mình.
Vì Thỏa thuận “xanh” là một sáng kiến toàn cầu, nên nó cũng sẽ có tác động đáng kể đến mối quan hệ của EU với các nước tham gia địa chính trị hàng đầu, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ả Rập Xê-út. Do đó, trên thực tế, châu Âu "xanh" sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu sản phẩm và nguyên liệu thô - tức là các nguồn tài nguyên cần thiết để sản xuất năng lượng sạch, cụ thể là lithi, coban, ioni, v.v.
Triển vọng và nguy cơ của Thỏa thuận “xanh” đối với Ukraina
Một trong những vấn đề lớn nhất của Thỏa thuận “xanh” đối với Ukraina là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon border adjustment mechanism — CBAM), nhằm cắt giảm phát thải carbon và ngăn chặn sự rò rỉ khí thải carbon từ EU sang các nước khác (chuyển giao các ngành sản xuất “bẩn” sang các nước thứ ba). Áp dụng cơ chế này dẫn đến việc đánh thuế bổ sung hàng hóa nhập khẩu vào Ukraina từ các nhà sản xuất nước ngoài với các quy định phát thải carbon ít nghiêm ngặt hơn.
Thực chất của CBAM là bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, khuyến khích các đối tác bên ngoài phát triển các sáng kiến khí hậu của mình và giảm thiểu rủi ro ô nhiễm carbon. Trên thực tế, cơ chế này phải trở thành một công cụ đặc biệt để đánh giá lượng khí thải CO2 trong quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu, trên cơ sở đó, hình thành giá của chúng. Mục tiêu của việc điều chỉnh carbon là nhằm kích thích thị trường hàng hóa có lượng khí thải carbon thấp, cũng như hỗ trợ việc áp dụng cơ chế chi trả cắt giảm phát thải carbon vào không khí ở các nước ngoài EU.
Đồng thời, các tác giả của sáng kiến này cũng lường trước sự cần thiết phải cân nhắc đặc điểm của từng khu vực kinh tế và xác suất vận dụng có chọn lọc cơ chế CBAM, vốn có thể là một trong những rủi ro chính của nó.
Những hậu quả chính của việc áp dụng CBAM gồm: tạo ra một hình thức hạn chế thương mại mới đối với việc xuất khẩu hàng hóa từ Ukraina sang EU, điều này có thể làm tăng giá đối với người sử dụng cuối cùng-nhà nhập khẩu, giảm năng lực cạnh tranh tiềm tàng của các nhà sản xuất Ukraina trên thị trường EU, kìm hãm quá trình đầu tư và hội nhập kinh tế với EU.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đối với các nhà xuất khẩu của Ukraina sẽ phụ thuộc vào hình thức hoạt động của cơ chế CBAM, có hay không cơ hội loại trừ tác động của cơ chế này và các chi tiết khác.
Song song với các nguy cơ, Thỏa thuận “xanh” mang lại nhiều triển vọng cho sự phát triển kinh tế Ukraina. Cụ thể, Thỏa thuận “xanh” châu Âu tạo điều kiện cho Ukraina trở thành nhà cung cấp năng lượng xanh (hydro) cho EU nhằm đáp ứng nhu cầu điện khí hóa. Để làm điều đó, Ukraina đang thử nghiệm khả năng cung cấp hỗn hợp hydro trong điều kiện của hệ thống truyền dẫn khí đốt.
Trong số những ưu điểm khác của Thỏa thuận “xanh” cần ghi nhận các cơ hội sau:
• Trở thành quốc gia trung chuyển đáng tin cậy khí đốt như một nhiên liệu chuyển tiếp vào EU, điều này cần thiết cho việc giảm dần lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch;
• Xây dựng các dự án chung về sử dụng hydro, vốn là công cụ quan trọng để khử cacbon trong năng lượng nói chung, cũng như trong khu vực giao thông – đường bộ, hàng không và hàng hải;
• Hình thành các cách tiếp cận chung về an ninh năng lượng nhằm giảm sự phụ thuộc của Ukraina và các nước EU vào các nguồn năng lượng, cụ thể là dầu và khí đốt tự nhiên, cùng nhau xây dựng chính sách an ninh năng lượng của EU, vốn là khu vực nghèo tài nguyên, buộc phải nhập khẩu 87% dầu và 74% khí đốt tự nhiên;
• Cung cấp kim loại đất hiếm và các kim loại cần thiết để sản xuất các tấm pin mặt trời, tuabin gió, pin điện, pin nhiên liệu và xe điện (gali, germani, hafini, grafit, phosphorit, ytri, scandi, titan, vanadi, v.v... ).
Kết luận
Lưu ý rằng Thỏa thuận “xanh” gây ra một số nguy cơ đối với sự phát triển của nền kinh tế Ukraina trong dài hạn, những sáng kiến bền vững như vậy phải trở thành động cơ phát triển hài hòa tất cả các lĩnh vực hoạt động của đất nước.
Cùng với EU, các đại diện của Ukraina cũng cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang trung hòa carbon, sử dụng các nguồn thu từ xuất khẩu các sản phẩm sử dụng carbon để đa dạng hóa nền kinh tế.
Đến lượt mình, Ukraina kỳ vọng vào sự ủng hộ và các hành động của EU nhằm tăng dần giá phát thải CO2 để duy trì nền kinh tế của mình. Điểm mấu chốt là áp dụng cơ chế CBAM và những ngoại lệ có thể xảy ra của nó đối với các nhà xuất khẩu Ukraina.
Điều này có thể đạt được nhờ sự hợp tác một cách hệ thống của Ukraina với Ủy ban châu Âu; các đại diện của liên minh này có thể hỗ trợ trong việc thu hút nguồn tài chính bền vững và chuyển giao công nghệ khử cacbon cho ngành năng lượng.
Nhà nước phải làm gì?
Ghi nhận những thách thức và cơ hội nói trên, các chuyên gia của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu mời đại diện của các Bộ Năng lượng, Phát triển kinh tế và nông nghiệp, Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên Ukraina, cũng như phó Thủ tướng chính phủ về vấn đề hội nhập châu Âu thực hiện các biện pháp và kết thúc những giai đoạn chủ yếu của việc áp dụng Thỏa thuận “xanh” ở Ukraina.
Đó là các biện pháp như: thành lập và phê duyệt hệ thống các thiết chế tài trợ của nhà nước nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận “xanh”; xác định thời hạn rõ ràng để tài trợ cho các biện pháp khử carbon; xây dựng kế hoạch đầu tư; phê duyệt mức tài trợ để thực hiện các biện pháp do Thỏa thuận “xanh” xác định; xây dựng lộ trình thực hiện các sáng kiến của Thỏa thuận “xanh”.
Cần lưu ý rằng để thực hiện những sáng kiến của Thỏa thuận “xanh” phải xây dựng kế hoạch đầu tư, theo đó, trong giai đoạn 2021-2030, ít nhất phải thu hút được 1000 tỷ euro, trong đó 503 tỷ - từ ngân sách EU, 114 tỷ - từ quỹ cơ cấu quốc gia, 25 tỷ - từ quỹ của hệ thống thương mại khí nhà kính Liên minh châu Âu. Như vậy, số tiền của các quỹ chiếm 64% tất cả các khoản đầu tư của Thỏa thuận “xanh”.
Để thu hút đầu tư và thực hiện các dự án ở Ukraina, phải đảm bảo tính minh bạch và rõ ràng, cũng như việc điều phối dự án cùng với sáng kiến mới của Ủy ban Quốc gia về chứng khoán và thị trường chứng khoán nhằm áp dụng các tiêu chuẩn trái phiếu “xanh” và "tài trợ chuyển đổi".
Một yếu tố quan trọng là phục hồi niềm tin đối với Ukraina từ phía các nhà đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo. Để làm điều đó, một lần nữa, đòi hỏi các giải pháp ổn định và minh bạch, nhằm giảm thiểu rủi ro đầu tư và tạo cơ hội cho việc thực hiện tài trợ theo hình thức đối tác công-tư.
Nhân tiện cũng xin nói, các đại diện của doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ có cơ hội thu hút phía Ukraina tham gia các cuộc tham vấn công khai do Ủy ban châu Âu tiến hành trong khuôn khổ thực hiện các sáng kiến của Thỏa thuận “xanh”.
Sự tham gia của phía Ukraina sẽ chứng minh ý định nghiêm túc của mình trong các cuộc gặp gỡ chính trị cấp cao và củng cố vị thế trong đàm phán, còn các đại diện doanh nghiệp sẽ giúp chuẩn bị tốt hơn vị thế của phía Ukraina trong các cuộc gặp gỡ ở cấp độ này.