Các nhà máy chế biến cá tra của Việt Nam vừa được công nhận xuất khẩu sang Mỹ gồm: Công ty Cổ phần tập đoàn thủy sản Hợp Nhất, Nhà máy đông lạnh hải sản Atlantic (Atlantic Seafood), Nhà máy Basa Mekong (Basa Mekong), Nhà máy chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra cao cấp, Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu Cỏ May 2 (Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Cỏ May) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn CK Frozen Food Việt Nam.
Như vậy, đến nay đã có 19 nhà máy cá tra Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tính đến nửa đầu tháng 4, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt hơn 195 triệu USD, tăng trên 131% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản lưu ý, các nhà máy tuân thủ các quy định tại Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang Mỹ ban hành tại Quyết định số 1802/QĐ-BNN-QLCL ngày 22/5/2020 và hướng dẫn tại Công văn số 803/QLCL-CL1 ngày 18/6/2020 bảo đảm toàn bộ chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra đáp ứng đầy đủ các quy định của cả Việt Nam và Mỹ.
Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 4 và 6 sẽ thực hiện thẩm định, cấp chứng thư cho các lô hàng cá tra xuất khẩu của các nhà máy trên đi thị trường Mỹ theo đúng thông báo của FSIS.
Vào 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra đạt trên 950 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 2 thị trường dẫn đầu là Trung Quốc và Mỹ đều tăng trưởng cao.
Cụ thể, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 306 triệu USD, tăng 161%, chiếm tỷ trọng 32% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, xuất khẩu sang Mỹ đạt hơn 232 triệu USD, tăng 128%, chiếm tỷ trọng 24,5%.
Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu cá thịt trắng của Mỹ và EU vẫn đang tăng tích cực và những ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine tác động không nhỏ tới thị trường cá thịt trắng thế giới. Việc thêm 6 nhà máy được vào danh sách chế biến, xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ giúp tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng trong thời gian tới.