Cụ thể, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VVSDTTW) ký hợp đồng cho phép VNVC được giữ lại không quá 30.000 liều vắc xin để phục vụ công tác tiêm chủng là không đúng với chủ trương mua sắm của Chính phủ; kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) và quyết định phê duyệt kết quả chọn nhà thầu của VVSDTTW không đúng với quy định tại Luật Đầu tư.
Ngoài ra, gói thầu thiết bị TB03, TB04 thuộc Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Ứng phó khẩn cấp đại dịch COVID-19 của Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới viện trợ tại VVSDTTW có sai sót, vi phạm thủ tục thực hiện, giá trị dự toán, nghiệm thu lắp đặt sai quy định gây lãng phí nguồn vốn mua sắm.
Trung tâm nghiên cứu sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm y tế đã không thực hiện thủ tục phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua vắc xin Abdala.
Bệnh viện K được Bộ Y tế giao mua sắm (TTBYT) phòng, chống dịch ngày 01/8/2021 với kinh phí được bổ sung là 1.1 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm thanh tra việc mua sắm chưa được thực hiện, có thể ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh; công tác đấu thầu, mua sắm còn nhiều thiếu sót, vi phạm.
Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, Bệnh viện TW Cần Thơ mua sắm sinh phẩm, kit xét nghiệm gây lãng phí nguồn vốn mua sắm số tiền 2.1 tỷ đồng. Nhiều TTBYT được mua qua các đơn vị trung gian dẫn đến khó quản lý về giá TTBYT.
Hầu hết hàng hóa nhập khẩu trong các hợp đồng vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm tại các bệnh viện (Bệnh viện ĐH Y, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, Bệnh viện TW Cần Thơ, Viện Pasteur TP.HCM) đều không có đầy đủ các tài liệu chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa nhập khẩu.
Đã có 7/13 Viện, Bệnh viện thuộc Bộ Y tế sử dụng hàng dùng nghiên cứu khoa học (RUO), dùng trong phòng thí nghiệm (LUO) trong lĩnh vực y tế không đúng mục đích sử dụng hàng nhập khẩu.
Viện Pasteur TP.HCM mượn hàng hóa, mua sắm trong giai đoạn 2020-2021 có dấu hiệu vi phạm Điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; trong đó có một số doanh nghiệp cho Viện Pasteur TP.HCM mượn hàng hóa, nhập khẩu hàng RUO, LUO (gồm: Công ty TNHH TBYT Phương Đông. Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech, Công ty TNHH Roche Việt Nam, Công ty TNHH Phát triển Khoa học Sự Sống).
Quá trình Bệnh viện TW Cần Thơ thực hiện mua sắm TTBYT theo KHLCNT (18 gói thầu) có một số dấu hiệu bất thường, trong đó có 02 gói thầu (Gói thầu số 07 mua 01 hệ thống ECMO, giá trị 3.4 tỷ và Gói thầu số 18 mua 02 máy điện tim ≥ 6 kênh, giá trị 125 triệu đồng) vi phạm hành vi bị cấm trong đấu thầu.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc trúng nhiều gói thầu của các bệnh viện thuộc Bộ Y tế với quy mô và giá trị lớn. Sau khi trúng thầu, công ty không trực tiếp mua từ đơn vị nhập khẩu hoặc đơn vị ủy quyền, mà mua qua nhiều đơn vị trung gian để cung cấp cho các bệnh viện, dẫn đến giá thiết bị y tế bị nâng cao.
TTCP cũng chỉ ra nhiều thiếu sót, khuyết điểm của Bộ Y tế như: Chưa thực hiện mua sắm tập trung đối với danh mục tài sản do Bộ ban hành theo quy định của Chính phủ và Luật Đấu thầu;
Việc chỉ đạo, hướng dẫn mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế có trường hợp còn chậm, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn tại các bệnh viện khi thực hiện; việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm kéo dài, dẫn đến tình trạng mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm bị chậm, ảnh hưởng công tác phòng, chống dịch bệnh.
Về xử lý hành chính, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo Bộ về những thiếu sót, khuyết điểm trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, thẩm định, phê duyệt mua sắm trang thiết bị y tế, việc quản lý tiếp nhận, phân bổ, tiêm chủng, giữ lại vắc-xin, công bố giá sinh phẩm, thực hiện mua sắm và bãi bỏ danh mục tài sản mua sắm tập trung.
Bộ Y tế chỉ đạo về kiểm điểm và xử lý đối với tập thể, cá nhân, đơn vị thuộc Bộ có liên quan đến những hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong việc thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc-xin…