Thanh Hóa sớm di dời các hộ dân dự án hồ chứa nước đến nơi tái định cư mới

Do ảnh hưởng bởi dự án hồ chứa nước bản Mồng, tỉnh Nghệ An, 119 hộ dân sống trên địa bàn bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa thuộc diện phải di dời, tái định cư. Tuy nhiên, đã hơn 11 năm trôi qua dự án hợp phần, bồi thường hỗ trợ tái định cư địa bàn huyện Như Xuân vẫn chưa thể thực hiện do thiếu vốn, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
baodantoc-thuy-dienjpg-1636995753.crdownload
Thanh Hóa sớm di dời các hộ dân dự án hồ chứa nước đến nơi tái định cư mới. Ảnh minh họa

Dự án hồ chứa nước bản Mồng tại địa bàn tỉnh Nghệ An do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư có địa bàn giáp danh tỉnh Thanh Hóa. Sau khi thực hiện dự án, tỉnh Thanh Hóa có 119 hộ dân với 430 nhân khẩu sống trên địa bàn bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân bị ảnh hưởng, ngập nước.

Năm 2009, UBND huyện Như Xuân đã kiến nghị tỉnh Thanh Hóa đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện dự án hợp phần bồi thường hỗ trợ tái định cư địa bàn huyện Như Xuân để tái định cư cho các hộ dân này, nhưng đã 11 năm nay dự án này vẫn chưa thể triển khai do thiếu vốn.

Bà Lữ Thị Lan, bản Thanh Sơn, xã Thanh Hóa cho hay, gia đình bà sống ở đây đã lâu, điều kiện kinh tế rất khó khăn, đường xá không làm, cứ trời mưa xuống đường lầy lội rất khó đi. Đối với dự án tái định cư hồ chứa nước bản Mồng đã có từ lâu, nhưng 11 năm rồi vẫn chưa thấy triển khai, nhà cửa bị hỏng không dám sửa. Bà mong chính quyền sớm di dời người dân đến nơi ở mới.

Theo ông Hà Văn Giới, Trưởng bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, dự án tái định cư đã có chủ trương hơn 11 năm, qua vài lần cứ định triển khai lại dừng lại, đến nay mới tiếp tục triển khai tiếp. Bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, đường xá đi lại vất vả, trường học, trạm y tế cách xa khu trung tâm. Việc học của các cháu không thuận lợi, nếu ốm đau không được chăm sóc về y tế.

Về phát triển kinh tế, người dân không dám đầu tư các mô hình lớn vì sợ phải di dời hoặc ngập nước. Nhiều công trình điểm trường, nhà văn hóa, đường giao thông hư hỏng xuống cấp nhưng xã không dám đầu tư vì vướng dự án.

Theo thông tin UBND huyện Như Xuân, khi công trình hồ chứa nước bản Mồng đưa vào sử dụng, sẽ có nhiều hộ dân bị ngập nhà cửa, đất ở và đất sản xuất, phân trại 3 và 5 của trại giam Thanh Lâm, Bộ Công an và Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa của Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng bị ngập, nhiều công trình công cộng, cơ sở hạ tầng bị ngập nước và có 586,45 ha rừng bị hồ chứa làm ngập.

Do đó, vào năm 2017 tỉnh Thanh Hóa đã giao UBND huyện Như Xuân làm chủ đầu tư dự án này, nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn do phải đấu mối với nhiều cơ quan, đơn vị. Trong khi đó, diện tích đất để xây khu tái định cư mới nằm trên địa bàn xã Xuân Hòa lại thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa nên đến năm 2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã điều chỉnh, chuyển về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư dự án.

Sau nhiều năm tạm dừng, chủ đầu tư dự án và UBND huyện Như Xuân đã lên phương án di dời các hộ dân này đến khu vực phía bắc thôn Đồng Trình, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, quy mô khoảng 300 ha. Mỗi hộ dân sẽ được cấp 400 m2 đất ở và 600 m2 đất vườn liền kề, bình quân mỗi hộ tái định cư là 2,24 đất sản xuất.

Hiện, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đã đồng ý bàn giao 300 ha đất để tỉnh Thanh Hoá xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân, UBND huyện Như Xuân cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan trích đo và cắm mốc bản đồ để thực hiện dự án.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, để sớm ổn định đời sống cho người dân, UBND huyện Như Xuân đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thành trích đo, cắm mốc bản đồ tại diện tích hơn 300 ha tại xã Xuân Hòa.

Đồng thời, huyện Như Xuân cũng kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản báo cáo, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp nguồn vốn, giao chủ đầu tư phối hợp cùng UBND huyện Như Xuân bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư Xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, tổng số vốn dự tính để hoàn thành dự án là hơn 353 tỷ đồng, do dự án chưa được cấp vốn nên việc di dời người dân đến nơi tái định cư mới chưa thể thực hiện.

Ông Lê Đại Minh, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư Xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa khẳng định, sau khi dự án được bố trí vốn trong năm tới, Ban sẽ thiết kế khu tái định cư, thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để di chuyển bà con ra nơi ở mới theo kế hoạch dự án.

Thời gian thực hiện dự kiến là 3 năm, kể từ khi điều chỉnh dự án, mục tiêu bồi đến năm 2024 hoàn thành bồi thường, tái định cư cho người dân bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.