Nắng nóng kéo dài, tỉnh Thanh Hóa cảnh báo nguy cơ cháy rừng

Thời tiết nắng nóng tiêu cực, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phát đi cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở mức cao. Đi đôi với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát của lực lượng kiểm lâm, chủ rừng, yêu cầu người dân, du khách cũng phải nâng cao ý thức chấp hành, bảo vệ rừng trước nguy cơ hỏa hoạn.
z5359144249691-87398379cb852dfcb9cb3344888a0106-1713579934-1718930212.jpg
Nắng nóng kéo dài, lực lượng Kiểm lâm huyện Bá Thước tiến hành tuần tra, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

Ngày 20/6, thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng là rất cao. Đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị, tham mưu chính quyền địa phương xây dựng phương án tác chiến chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ sát với tình hình thực tế.

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh, các địa phương đã duy trì lực lượng thường trực bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ trong ngày, bố trí các chòi canh, chốt gác tại các khu vực xung yếu, có nguy cơ cháy rừng cao. Tại các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, thị xã Nghi Sơn, Hà Trung… có diện tích rừng lớn, thường xuyên có thông báo đến người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ sở, chủ rừng nhà nước thực hiện đúng quy định phòng, chống cháy rừng.

Để bảo đảm tốt việc bảo vệ rừng, tại các thôn, bản, kiểm lâm viên sẽ tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh 2 lần/ngày vào lúc 7 giờ 30 phút và 14 giờ để người dân biết, không phát dọn thực bì, không vén rừng, lấn rừng gây cháy rừng. Khi có cháy rừng xảy ra, kiểm lâm viên sẽ huy động lực lượng cơ động và các phương tiện để giảm thiệt hại không may từ cháy rừng.

Đối với các huyện giáp biên giới Việt Nam - Lào, chính quyền địa phương, các cụm bản phối hợp với tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào để tuyên truyền cán bộ, người dân vùng biên giới chấp hành tốt các quy định về phòng, chống cháy rừng. Đặc biệt là chủ động bố trí, sẵn sàng lực lượng phòng, chống cháy lan, hướng dẫn nhân dân nước bạn Lào xử lý thực bì, đốt nương làm rẫy, đốt cỏ để phục vụ chăn nuôi không cháy lan vào rừng.

be4-1713580787-1718930478.jpg
Lực lượng Kiểm lâm Thanh Hóa sẽ kết hợp với người dân trong việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

Qua đó, Hạt Kiểm lâm sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường trinh sát ngoại tuyến để phát hiện sớm các vụ cháy rừng từ nước bạn có nguy cơ cháy lan vào địa bàn, báo cáo kịp thời với Trưởng ban Chỉ đạo phòng cháy rừng huyện để huy động lực lượng ngăn chặn.

Tùy từng thời điểm, lực lượng kiểm lâm sẽ trực 24/24 giờ, đặc biệt tại khu vực trọng điểm để kiểm soát người ra vào rừng, phát hiện sớm cháy rừng để kịp thời huy động người tham gia chữa cháy. Các cán bộ kiểm lâm thực hiện nghiêm việc trực gác lửa rừng, thông tin dự báo và phát hiện sớm cháy rừng, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng và theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên Website của Cục Kiểm lâm, hệ thống camera quan sát lửa rừng nhằm phát hiện sớm cháy rừng để huy động lực lượng chữa cháy rừng kịp thời không để xảy ra cháy lớn.

chayrung-1718930676.jpg
 

Theo thống kê, Thanh Hóa có 647.437,26 ha rừng, trong đó, diện tích có rừng tự nhiên: 393.361,33 ha; Diện tích có rừng trồng: 254.075,93 ha. Diện tích rừng đủ tiêu chuẩn để tính độ che phủ toàn tỉnh là 597.438,35 ha, độ che phủ của rừng tương ứng 53,75%.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm công khai và cung cấp thông tin, kết quả hiện trạng rừng năm 2023 trên địa bàn để các tổ chức, cá nhân thống nhất sử dụng; thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo Luật Lâm nghiệp năm 2017; tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp theo quy định.

Số liệu hiện trạng rừng năm 2023 là cơ sở để chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và lập kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng, theo dõi diễn biến rừng cho năm tiếp theo./.

Sông Lô