Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Traisuree Taisaranakul cho biết ngày nghỉ bổ sung vào 15/7 (Thứ Sáu) sẽ tạo ra kỳ nghỉ năm ngày bắt đầu từ 13/7 khi bắt đầu mùa chay Phật giáo.
Các ngày nghỉ bổ sung vào 29/7 (Thứ Sáu) và 14/10 (Thứ Sáu) sẽ tạo ra các kỳ nghỉ kéo dài bốn ngày bắt đầu từ 28/7 và 13/10. Vào dịp đón mừng Năm mới 2023, người dân Thái Lan sẽ được nghỉ thêm một ngày vào 30/12/2022 (Thứ Sáu), do đó sẽ được hưởng một kỳ nghỉ bốn ngày cho tới 2/1/2023.
Đây là năm thứ hai Thái Lan bổ sung thêm các ngày nghỉ chính thức để tạo ra những kỳ nghỉ dài ngày. Năm ngoái, Nội các Thái Lan cũng đã thông qua kế hoạch tạo thêm tám ngày nghỉ đặc biệt cho năm 2021. Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 thứ ba bùng phát từ đầu tháng Tư vừa qua đã khiến một số ngày nghỉ đặc biệt trong năm 2021 không phát huy được tác dụng kích cầu du lịch nội địa do Chính phủ Thái Lan phải áp đặt lệnh phong tỏa và giới nghiêm ban đêm tại nhiều địa phương trên toàn quốc.
Ngành du lịch đóng góp 3.000 tỷ baht (khoảng 90,12 tỷ USD) cho nền kinh tế Thái Lan vào năm 2019, chiếm 18% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước, trong đó 2.000 tỷ baht đến từ khách du lịch nước ngoài (chiếm 12% GDP) và 1.000 tỷ baht từ du lịch nội địa (chiếm 6% GDP). Năm ngoái, lượng khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan đạt 6,7 triệu lượt, tạo ra doanh thu khoảng 300 tỷ baht.
Sau khi áp dụng thí điểm các mô hình “hộp cát” tại hai hòn đảo du lịch hàng đầu của đất nước là Phuket và Samui từ tháng Bảy, nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của Thái Lan đang dần mở cửa đón khách quốc tế bằng cách miễn cách ly và không hạn chế khu vực cho những người đã được tiêm phòng đầy đủ từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có nguy cơ thấp từ ngày 1/11.
Ngành du lịch Thái Lan kỳ vọng số lượng khách du lịch quốc tế sẽ đạt mức 10-15 triệu lượt vào năm 2022 cùng với 160 triệu chuyến đi nội địa, tạo ra tổng doanh thu 1.500 tỷ baht, tương đương 50% con số của năm 2019.