Thái Bình: Cộng đồng doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế

Năm 2022, tỉnh ta đạt số thu ngân sách trên 15.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt mốc 12.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Để có con số ấn tượng này, ngoài nỗ lực của cả hệ thống chính trị và ngành thuế tỉnh phải kể đến quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế đã vượt qua mọi khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

t-1679804269.jpg
Sản xuất tại Công ty Tân Đệ

Cùng với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, các doanh nghiệp, doanh nhân đặc biệt quan tâm đầu tư đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín thương hiệu, chất lượng hàng hóa, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước. Toàn tỉnh hiện có gần 7.000 doanh nghiệp và trên 10.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, là lực lượng chủ yếu tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Ngoài nỗ lực sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp luôn ý thức chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế, thực hiện đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước biến động phức tạp và khó khăn sau gần 3 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực do xung đột vũ trang và vấn đề địa chính trị trên thế giới, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tìm tòi hướng đi đúng đắn, vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, trở thành những điểm sáng trong thực hiện chính sách, pháp luật thuế. Cộng đồng doanh nghiệp toàn tỉnh đã tích cực tham gia các chương trình cải cách, hiện đại hóa ngành thuế như: Đầu tư trang thiết bị khai thuế qua mạng, triển khai hóa đơn điện tử...

Ông Đỗ Hồng Nam, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Tính chung trong năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình đã đóng góp khoảng 8.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ của dịch Covid-19 nhưng bằng sự điều hành linh hoạt, thích ứng an toàn vẫn sản xuất, kinh doanh có lãi, hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước như Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng, Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Thái Bình...

Đây đều là những doanh nghiệp tích cực nộp ngân sách nhà nước với mức tăng cao so với năm trước. Đặc biệt, ngành thuế tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nộp thuế; duy trì ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh điện tử hóa công tác quản lý thuế ở tất cả các khâu; tuyên truyền, hỗ trợ các chính sách thuế mới, chính sách thuế sửa đổi, bổ sung.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm xử lý nợ đọng, chống thất thu thuế; chú trọng đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, tăng thu cho ngân sách. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khai thuế, nộp thuế điện tử và số tiền nộp thuế điện tử đều đạt trên 99%. Bên cạnh đó, cơ quan thuế không ngừng nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ người nộp thuế; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế...

 “Năm 2023, tỉnh Thái Bình bước vào năm bản lề thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đề ra. Cùng với các quyết sách chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Cục Thuế tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh và thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh” - ông Đỗ Hồng Nam, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết thêm./.

Nguyễn Thơi