Dự án do Phạm Nguyễn Quang Huy, Phạm Nguyễn Gia Bảo, học sinh Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa (Hà Nội) triển khai.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế
Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, em Phạm Nguyễn Quang Huy bày tỏ cảm giác vui mừng xen lẫn bất ngờ vì dự án của trường mình đã đoạt giải cao như vậy. Huy tâm sự: “Để đạt được kết quả này, chúng em biết ơn sự chỉ bảo, hướng dẫn tận tâm, nhiệt tình của thầy cô trong trường trong suốt nhiều tháng qua.
Trải qua các vòng thi cấp trường, quận và thành phố, ban giám khảo lại có những góp ý quý báu nên nhóm của em rút được kinh nghiệm để dần hoàn thiện đề tài hơn. Năm 2021 em cũng tham gia cuộc thi KHKT cấp quốc gia nhưng kết quả không được như ý muốn. Năm nay, được sự ủng hộ từ gia đình và thầy cô, em đã cùng với em trai của mình tiếp tục tham gia cuộc thi và có những bước chuẩn bị cần thiết trước khi tham gia các vòng thi ở từng cấp khác nhau”.
Chia sẻ về lý do chọn đề tài này, Quang Huy cho biết: Xuất phát từ thói quen sử dụng túi ni lông và các sản phẩm từ nhựa của người dân vẫn còn rất phổ biến, trong đó có thanh niên. Thanh niên là lực lượng xung kích cần phải tiên phong thay đổi, tuyên truyền và lan tỏa hành vi tiêu dùng có trách nhiệm để bảo vệ môi trường (BVMT).
Theo các số liệu nhóm tác giả thống kê từ nhiều nguồn khác nhau, lượng rác thải của người tiêu dùng thải ra tại Việt Nam cũng như trên thế giới những năm gần đây rất lớn và đang có xu hướng gia tăng. Do đó, phải có nhiều giải pháp để thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong việc sử dụng túi ni lông và các sản phẩm từ nhựa thì mới bảo vệ được môi trường sống. Làm sao để mọi người hình thành được thói quen “tiêu dùng xanh”, nhất là với thanh niên. Đây là động lực thúc đẩy nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu để góp phần chung tay BVMT.
Đề xuất các giải pháp
Trên cơ sở phân tích thực trạng cũng như các yếu tố tác động đến hành vi tiêu dùng của thanh niên, Quang Huy và Gia Bảo đã đề xuất các giải pháp cụ thể gồm: Thực hiện chuyên đề sinh hoạt Đoàn giữa các chi đoàn về chủ đề tiêu dùng có trách nhiệm BVMT; tổ chức buổi tọa đàm chia sẻ thông tin; xây dựng kênh truyền thông như fanpage trên Facebook; thành lập câu lạc bộ tiêu dùng hay làm các sản phẩm handmade, đồ tái chế từ vỏ nhựa; thay đổi thói quen tiêu dùng bằng cách tuyên truyền thông qua bài viết trên mạng xã hội vì có nhiều người sử dụng. Sắp tới, nhóm sẽ tìm hiểu thêm các giải pháp thực tiễn nhằm lan tỏa đề tài của mình để mọi người cùng biết để có hành động đúng đắn, thúc đẩy hình thành thói quen tiêu dùng có trách nhiệm BVMT.
“Để chứng minh lượng kiến thức mình đưa vào thực tế là đúng, nhóm đã cùng các thầy cô tìm ra giải pháp như thay đổi cấu trúc và nội dung đề tài cho rõ ý hơn, nêu thông điệp muốn truyền tải thông qua đề tài. Đây là vấn đề không mới nhưng cũng chưa bao giờ hết tính thời sự nên chúng em vẫn quyết tâm triển khai. Dù là lần đầu tiên tham gia cuộc thi với tư cách là thành viên của nhóm, em cùng với anh Huy tập trung nghiên cứu và thực hiện nhiều bước như điều tra xã hội học, làm các thuật toán thống kê, thiết kế đồ họa PowerPoint và áp dụng kiến thức của nhiều môn học khác nhau. Nhờ đó, em đã có những trải nghiệm quý giá và khám phá khả năng của bản thân. Em đã học được kỹ năng thuyết trình, cách thức triển khai và thực hiện các giải pháp liên quan…” – Phạm Nguyễn Gia Bảo cho hay.
Là giáo viên trực tiếp hướng dẫn nhóm nghiên cứu, thầy Trần Văn Huy đánh giá: Thời gian làm việc kéo dài trong nhiều tháng và việc thu thập số liệu đã thấy các em có sự tiến bộ vượt bậc. Trải qua nhiều vòng thi từ cấp trường lên tới thành phố, tiếp xúc với nhiều ban giám khảo khác nhau nên các em đã được cọ xát, học hỏi và có sự thay đổi để tự hoàn thiện đề tài của mình.
Trong đó, từ kỹ năng làm báo cáo bằng PowerPoint hay điều tra số liệu xã hội học, tìm nguồn tài liệu uy tín để lấy con số thống kê cũng rất rõ ràng và có sự sắp xếp bố cục hợp lý. Vận dụng nhiều kiến thức khác nhau như Toán, Tin học, Thống kê, Sinh học, Hóa học, Vật lý, Vẽ biểu đồ… để giải quyết vấn đề mình mong muốn tìm hiểu.
“Đề tài bắt đầu từ đầu năm nên các em phải đầu tư thời gian đọc tài liệu, suy nghĩ về các ý tưởng liên quan để trình bày và tìm giải pháp. Hơn nữa, cả hai em cũng phải cân đối thời gian cho việc học online chính khóa cũng như học trên lớp để đảm bảo chương trình. Ngoài ra, học sinh cũng được trang bị kỹ năng về công nghệ thông tin ngay từ khi vào lớp 10. Đó là thế mạnh để các em phát huy khả năng liên quan đến công nghệ. Đây chỉ là thành công bước đầu, các em phải nỗ lực hơn nữa để chinh phục những ước mơ cao hơn sau này. Thầy cô, gia đình luôn dõi theo và ủng hộ các em”, thầy Trần Văn Huy cho biết thêm. |