Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Hội nghị về thị trường vốn được tổ chức rất kịp thời, đúng thời điểm. Những vụ việc vừa qua chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên thị trường chứng khoán vì vốn hóa của thị trường rất lớn, tới 750 công ty niêm yết. Mặc dù chỉ liên quan đến một vài mã cổ phiếu nhưng lại ảnh hưởng tới tâm lý thị trường và các nhà đầu tư.
Chính phủ quyết tâm bảo vệ các nhà đầu tư chân chính
PGS.TS Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, các đại biểu tham dự Hội nghị có cả yếu tố nước ngoài, cả yếu tố khách quan từ các tổ chức quốc tế; họ phát biểu để nói rõ lên rằng những hành động của Chính phủ trong thời gian vừa qua là đúng mực; bảo vệ nhà đầu tư và góp phần làm cho thị trường phát triển bền vững hơn.
Các đại biểu quốc tế đã nêu nhiều ý kiến hay trong đó có việc Việt Nam trong quá trình cơ cấu lại, vốn hóa đã bắt kịp với các nước trên thế giới. Để phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, phải có rà soát.
"Thông điệp "phát triển thị trường một cách an toàn, minh bạch, bền vững" thể hiện Chính phủ quyết tâm bảo vệ các nhà đầu tư chân chính. Muốn làm tốt điều đó cần phải rà soát thể chế quản lý liên quan đến thị trường để cho thị trường minh bạch, công khai", PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Giải quyết bài toán về vốn quyết định 40%-45% cho thành công của nền kinh tế
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Chính phủ tổ chức Hội nghị để thúc đẩy sự tập trung cho thị trường vốn, thúc đẩy phát triển một cách bền vững. Thị trường vốn trong những ngày qua có sự suy giảm nhưng chỉ tạm thời, để có một tương lai hiệu quả và bền vững hơn.
"Các doanh nghiệp khi phát hành được cổ phiếu sẽ giảm vay vốn ngân hàng, nghĩa là giảm chi phí trả lãi, giảm được chi phí xã hội, có cơ hội giảm được giá thành, giảm giá bán. Từ đó, có cơ hội nâng cao được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Nguồn vốn được phân bổ một cách hiệu quả. Các cơ quan có chức năng cần kiểm tra, giám sát phải theo dõi, quản lý thị trường, tránh thị trường bị thao túng", ông Trần Hoàng Ngân phân tích.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng Hội nghị hôm qua đã giúp cho thị trường có được tâm lý tốt hơn, người dân cảm thấy rõ ràng hơn vì sao Chính phủ lại làm những việc như vậy. Minh bạch, rõ ràng, ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm. Bộ Công an cũng đã khẳng định không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.
Hội nghị về thị trường vốn cũng góp phần khẳng định thông điệp Chính phủ sẽ rà soát và ban hành quy định để ngăn chặn các hành vi tiêu cực thị trường. Đồng thời, thúc đẩy thị trường phát triển.
Không để hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh"
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng đồng quan điểm với PGS.TS Trần Hoàng Ngân khi cho rằng, Hội nghị về thị trường vốn được tổ chức đúng thời điểm khi các cơ quan chức năng đang mạnh tay xử lý một số vụ việc vi phạm và thị trường đang có những biến động .
Đáng chú ý, tại Hội nghị trên, Chính phủ đã lắng nghe các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, doanh nghiệp và đưa ra các thông điệp rõ ràng.
Thứ nhất là phải lành mạnh hoá thị trường chấn chỉnh những vi phạm pháp luật, không để tái diễn các vụ việc tương tự trong thời gian sắp tới.
Thứ hai, Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm không để cho hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh", không vì một vài vụ việc như vậy, mà làm cho cả thị trường bị ảnh hưởng.
Thứ ba là quan điểm được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp ủng hộ không hình sự hoá các quan hệ kinh tế.
Nhưng các đối tượng vi phạm pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh, bảo đảm thượng tôn pháp luật, đó mới chính là công bằng với số đông các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Song song với đó là thông điệp về một Chính phủ kiến tạo, khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp chân chính làm ăn thuận lợi, phát triển bền vững.
"Các thông điệp chấn chỉnh thị trường, kiểm soát rủi ro và kiến tạo thị trường bền vững sẽ củng cố niềm tin với thị trường. Các tổ chức trong nước và quốc tế ủng hộ cách tiếp cận như vậy", TS Cấn Văn Lực đánh giá.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các bộ ngành liên quan trong đó có một số việc cần ưu tiên, một là phải sớm khắc phục xử lý những vụ việc vừa qua, bảo vệ nhà đầu tư và thị trường. Cần tăng cường cảnh báo sớm kiểm tra giám sát không cho hiện tượng sai phạm tái diễn.
Để nâng hạng thị trường Việt Nam còn nhiều việc phải làm
Đáng chú ý, Thủ tướng đã có chỉ đạo các đơn vị triển khai giải pháp để góp phần nâng hạng thị trường cận biên lên thị trường mới nổi góp phền thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2030 của Chính phủ ban hành ngày 21/3/2022 vừa qua.
Hiện tại, Việt Nam vẫn đang nằm trong khu vực thị trường cận biên, trong khi các thị trường lân cận như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines đã thuộc nhóm các thị trường mới nổi.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam giúp huy động vốn từ trong nước và quốc tế thuận lợi hơn, là chất xúc tác giúp nâng cao uy tín và vị thế lan toả, góp phần nâng hạng tín nhiệm quốc gia…
Các yếu tố mà thị trường chứng khoán Việt Nam cần cải thiện mạnh mẽ hơn là: Giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài ở một số ngành có điều kiện; "nới room" thị trường chứng khoán cho nhà đầu tư ngoại; cải thiện hệ thống công nghệ thông tin; thanh toán bù trừ theo thông lệ quốc tế nhiều hơn áp dụng T+1, T+2 chủ yếu thay vì T+3 như hiện nay.