Tạo môi trường thuận lợi để cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp phát triển bền vững

Để hỗ trợ, động viên đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy vai trò nòng cốt, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp có một số kiến nghị với Đảng và Nhà nước.
tongbithuchutichnuoctolamgapmatcacdoanhnhantieubieu-1728691436.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định doanh nhân, doanh nghiệp chắc chắn sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Ảnh TTXVN

Trong thời gian qua, đội ngũ doanh nhân ngày càng trưởng thành, lớn mạnh. Sau 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 60% GDP, tạo 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.

Tại cuộc gặp mặt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với đại biểu các doanh nhân tiêu biểu và cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công chia sẻ, được sự quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp đã ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Cụ thể, nếu năm 2004, số lượng doanh nghiệp hoạt động chỉ có khoảng 92 nghìn doanh nghiệp, thì sau 20 năm, chúng ta đã có hơn 930 nghìn doanh nghiệp hoạt động. Bên cạnh đó, còn có đội ngũ gần 30 nghìn HTX và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.

Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 122 nghìn doanh nghiệp, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 61.103 doanh nghiệp, đồng thời có 163.761 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

“Dự báo, năm 2024 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp lập kỷ lục về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Tính lũy kế kể từ năm 2000 đến hết năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới sẽ vượt con số 2,1 triệu doanh nghiệp. Nếu tính doanh nhân là lãnh đạo chủ chốt của các doanh nghiệp thì nước ta hiện có đội ngũ doanh nhân đông hàng triệu người”, Chủ tịch VCCI vui mừng chia sẻ.

Về tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp, theo khảo sát của VCCI trên quy mô toàn quốc tính tới tháng 9/2024 cho thấy, chỉ 32% doanh nghiệp khảo sát cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Con số này có nhích nhẹ hơn so với mức 27% của năm 2023, song vẫn ở mức thấp thứ 2 trong 18 năm liên tiếp VCCI khảo sát doanh nghiệp.

Với kết quả này, theo Chủ tịch VCCI, dù nền kinh tế đã có dấu hiệu lấy lại tốc độ tăng trưởng, nhưng tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp còn ở mức thấp so với thời kỳ trước đây, vẫn còn tâm lý e dè. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu tích cực là các doanh nghiệp vừa và lớn vẫn còn tỷ lệ đáng kể cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp trong một số ngành quan trọng như công nghiệp chế tạo, nông lâm nghiệp thủy sản… tiếp tục có kế hoạch mở rộng hoạt động.

63755f8047b7fee9a7a6-1728722144.jpg
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công phát biểu. . (Ảnh diendandoanhnghiep.vn)

Để hỗ trợ, động viên đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy vai trò nòng cốt, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đại diện cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI đã có một số kiến nghị với Đảng và Nhà nước.

Cụ thể, Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đề nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dành sự quan tâm chỉ đạo, sớm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, định hướng đã nêu trong nghị quyết, để đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Đề nghị Đảng, Nhà nước đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là hệ thống chính sách, pháp luật tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng, kịp thời ban hành các chính sách thể chế hóa chủ trương bảo vệ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp đồng bộ để khơi dậy mạnh mẽ khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội và trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, với khát vọng góp phần đưa nước ta bước sang “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, nắm bắt các cơ hội lịch sử đang mở ra để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Sớm xây dựng, ban hành chiến lược và chương trình quốc gia phát triển đội ngũ doanh nhân gắn với mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, làm cơ sở để các ngành, địa phương xây dựng các chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân cho ngành, địa phương mình, hình thành đội ngũ doanh nghiệp dân tộc đủ năng lực gánh vác nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập.

Về vai trò của VCCI và các hiệp hội, Chủ tịch VCCI cũng đề nghị Đảng, Nhà nước tăng cường tạo cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển và phát huy vai trò của VCCI cùng các hiệp hội doanh nghiệp tham gia đầy đủ, chủ động hơn trong các sự kiện chính trị, kinh tế, các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương của Đảng và Nhà nước.

106d3221143t4024l3-2-1728691436.jpg
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế. (Ảnh minh họa)

Trong khuôn khổ buổi gặp mặt, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều - Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam (VPBA) khẳng định: Với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, kinh tế tư nhân đã từng bước phát triển qua các giai đoạn, đặc biệt khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng khởi sướng và lãnh đạo.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy kinh tế phát triển, Chủ tịch VPBA đã kiến nghị một số giải pháp khắc phục, tháo gỡ.

Cụ thể, về nguồn vốn, doanh nghiệp cần minh bạch hóa và nâng cao năng lực quản lý vốn, tránh đầu tư dàn trải thiếu kiểm soát, tránh chạy đua đầu tư trái tay vào những tài sản hoặc thương vụ rủi ro cao.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nhân mong Đảng, Nhà nước, Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của thị trường chứng khoán, thúc đẩy tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy định về phát hành trái phiếu để cân bằng giữa sự bền vững của thị trường và nhu cầu vốn thiết thực của doanh nghiệp.

Đối với đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cần phân bổ tỷ trọng đầu tư tương xứng cho nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để nắm bắt và làm chủ công nghệ. Đồng thời, các doanh nhân là người làm chủ doanh nghiệp cũng phải liên tục học hỏi để trở thành những người tiên phong trong đổi mới sáng tạo và nắm bắt công nghệ.

Cùng với những nỗ lực đổi mới từ doanh nghiệp, doanh nhân kỳ vọng Nhà nước tạo điều kiện hơn nữa trong việc cho phép thử nghiệm có giới hạn (sandbox) các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo đột phá; đồng thời xem xét các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp dấn thân thử nghiệm các giải pháp, mô hình sáng tạo đột phá này.

Đồng thời, cộng đồng doanh nhân đề nghị Nhà nước, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thể chế cần tiếp tục được đẩy nhanh một cách quyết liệt và khoa học để kiến tạo môi trường pháp lý, công vụ và môi trường kinh doanh hướng đến mục tiêu hỗ trợ, khuyến khích mọi công dân, doanh nhân, doanh nghiệp tham gia tích cực vào công cuộc chấn hưng và phát triển đất nước./.

Hương Lan (t/h)