Tăng năng lực sản xuất để doanh nghiệp cơ khí tham gia sâu vào chuỗi cung ứng

Cơ khí là một trong những ngành công nghiệp mang tính “xương sống”, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. Dù dư địa của ngành là rất lớn, song việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong ngành cơ khí vẫn còn hạn chế.
nganh-co-khi-1693841770.jpg
Tăng năng lực sản xuất doanh nghiệp ngành cơ khí để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP (24,7%) vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng lên 26,4% trong năm 2023. Trong các ngành công nghiệp, ngành cơ khí được xem là “xương sống”, có vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành cơ khi đã chế tạo được hàng phụ trợ cho nhiều tập đoàn đa quốc gia hàng đầu như Seo Jin, Sam Sung, Toyota, vỏ máy biến áp từ 250MVA cung cấp cho HITACHI, thiết bị lò đốt rác xuất khẩu cho Mitsubitsi sang thị trường Nhật và các nước châu Á, các thiết bị cho nhà máy kính, xuất cho tập đoàn NSG sang các nước như Nhật, Malaysia, Braxin và Mỹ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành này cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như Hội cơ khí tỉnh Bắc Giang đã nhiều lần tiếp cận với các doanh nghiệp FDI với mục đích để chia sẻ trong công việc, tìm kiếm thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư xong đều bị từ chối khéo.

Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt rất yếu về kỹ năng tìm kiếm khách hàng, ở cả các hình thức như hội chợ, triển lãm, trên trang thương mại điện tử hay qua các cơ quan xúc tiến thương mại…Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh vẫn ở yếu tố nhân công rẻ mạt. Nhưng so với hàng Trung Quốc, Ấn Độ, ngoài nhân công giá rẻ, họ tổ chức sản xuất tốt hơn ta. Công nghiệp hỗ trợ của họ được phân ra thành những mảng nhỏ, doanh nghiệp chuyên môn hóa từ máy móc, con người, đầu tư nghiên cứu.

Chưa kể, một số sản phẩm Việt Nam chưa làm được như vật tư thiết bị, vẫn phải mua từ Trung Quốc, như vậy không cạnh tranh được với họ. Muốn cạnh tranh buộc phải giảm giá thành thuê nhân công.

Vì vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đề xuất các cơ quan chức năng kết nối các hiệp hội với các nhà sản xuất nước ngoài để phát triển sản xuất, kinh doanh xuất khẩu, với các thị trường chưa được quan tâm như châu Phi và Nam Mỹ.

Đồng thời đề nghị được Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ việc tổng hợp các số liệu, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước theo báo cáo có ở dạng cổng thông tin điện tử, tức phải được cập nhật liên tục thì các doanh nghiệp mới có thể tận dụng thông tin. Còn để doanh nghiệp tự tìm kiếm rất khó và có thể không chính xác.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngoài hỗ trợ của cơ quan thương vụ, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nhu cầu thị trường, xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường cụ thể.

Doanh nghiệp cần khắc phục hạn chế về khả năng ngoại ngữ, do ngành cơ khí có nhiều thuật ngữ chuyên ngành, nên doanh nghiệp cần có nhân viên giỏi ngoại ngữ để cùng thương vụ kết nối khách hàng. Ngoài ra cần nâng tầm nghệ thuật marketing quảng bá giới thiệu để níu giữ khách hàng.

Mặt khác, doanh nghiệp cần đầu tư thêm chi phí cho mảng nghiên cứu, phát triển sản phẩm nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, tăng năng lực sản xuất . Điều này giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể gia công sản phẩm có giá trị cao qua đó tăng thêm cơ hội tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đông Nghi