Tang lễ diễn ra sau ngày nghệ sĩ Tiến Hợi qua đời. Bà Vương Đạm Thủy nén nỗi đau, được bạn bè, đồng nghiệp của chồng giúp chuẩn bị tang lễ. "Tôi và anh rất yêu nhau. Tôi làm lễ viếng cho anh sớm vì không muốn chồng phải nằm trong phòng lạnh lâu", bà Thủy nói. Bà kể ông đau, mỏi người trước Tết nhưng vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường. Đến ngày 4/2, nghệ sĩ cảm thấy tê bì chân, di chuyển khó nên vào viện thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán ông mắc ung thư phổi giai đoạn cuối.
Trên trang cá nhân, bà Thủy viết: "Anh là tình yêu vĩnh cửu của em". Bà sắp xếp di vật gồm bộ quần áo nghệ sĩ thường mặc khi đóng Chủ tịch Hồ Chí Minh để hỏa táng cùng thi hài ông. Kỷ vật gắn liền những năm tháng làm nghề của hai vợ chồng. Năm 1987, khi công tác ở Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn, bà Thủy được cử đi học ngành hóa trang, từ đó gặp gỡ, quen biết và yêu nghệ sĩ Tiến Hợi. 34 năm gắn bó, bà có hàng nghìn lần hóa trang cho chồng.
Mỗi lần làm việc, bà vẽ những nét cơ bản, còn chồng góp ý từng chi tiết như tạo hình nếp nhăn ở đâu, tỉa râu thế nào. Vợ chồng nghệ sĩ có hai con trai, đều không làm nghệ thuật. Trong cuộc sống hàng ngày, bà Thủy nói chồng là người giản dị, hay giúp đỡ vợ việc nhà, ít to tiếng với ai. Nhiều năm nay, nghệ sĩ duy trì lối sống lành mạnh. Ông mê thể thao, từng tập nhiều môn như tennis, bơi lội, thể dục dụng cụ. Khi lớn tuổi, ông thích đạp xe nhẹ nhàng.
Trong tang lễ chiều nay, nhiều bạn bè, đồng nghiệp, các cơ quan đoàn thể đến viếng cố nghệ sĩ Tiến Hợi trong tiết trời mưa, lạnh. Một số đồng đội khoác áo lính một thời với ông đi từ các tỉnh xa đến tiễn bạn.
Thu Hà kém nghệ sĩ Tiến Hợi 10 tuổi, thường gọi ông là chú để thể hiện sự tôn trọng. Thời đôi mươi, khi đi thi tuyển vào Đoàn Văn công Quân khu 2, cố diễn viên là người chấm tuyển Thu Hà. Hai người cùng đóng chung nhiều phim, kịch, trong đó có vở Đêm trắng, tác phẩm đầu tiên Tiến Hợi hóa thân Hồ Chủ tịch. Sau này, họ lại hợp tác trong phim điện ảnh Hẹn gặp lại Sài Gòn, nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh thời trẻ, khi chuẩn bị ra nước ngoài bôn ba.
Năm 1988, Đoàn Văn công Quân khu 2 giải thể, hai diễn viên cùng vào công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Trong ký ức của Thu Hà, cố nghệ sĩ hiền lành, tốt bụng. Ông làm công tác công đoàn ở cơ quan, luôn kiên nhẫn tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng nghiệp.
Trên trang cá nhân, Thu Hà viết: "Không muốn tin chú đã đi xa. Cháu sẽ không còn thấy một chú Hợi đẹp trai trong bộ quân phục, ngày đầu chấm tuyển cháu. Được làm đồng chí với chú trong những năm tháng phục vụ trong quân đội, làm đồng nghiệp tại Nhà hát Kịch Hà Nội... là kỷ niệm đẹp với cháu. Chú sẽ không mất đi trong lòng đồng chí, đồng đội, mãi là người chú, người anh thân yêu của Nhà Hát Kịch Hà Nội. Chỉ là chú đi nhận nhiệm vụ mới phải không".
Phú Thăng từng đóng chung với Tiến Hợi nhiều tiểu phẩm, kịch. Nghệ sĩ nói: "Mọi người nghĩ anh Hợi chỉ hợp vai nghiêm túc, thế nhưng anh diễn hài cũng dí dỏm, duyên dáng. Ở Nhà hát Kịch Hà Nội, chúng tôi đều yêu quý, kính trọng anh bởi tính cách giản dị, khiêm nhường".
Lễ tang nghệ sĩ diễn ra trang trọng, ngắn gọn trong thời dịch. 17h50, diễn viên Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - nơi cố nghệ sĩ công tác 29 năm - đọc điếu văn tưởng nhớ đàn anh: "Trong quá trình công tác, nghệ sĩ đảm nhiệm chức phó chủ tịch công đoàn nhiều nhiệm kỳ, luôn dành tình yêu thương cho đồng nghiệp, lớp diễn viên trẻ, được mọi người yêu quý".
Trung Hiếu cũng điểm lại các dấu mốc trong sự nghiệp ông: "Anh từng nói được gắn với vai Chủ tịch Hồ Chí Minh là vinh hạnh lớn trong cuộc đời. Những vai diễn của anh đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả".
Nguyễn Vương Thành - con trai lớn nghệ sĩ Tiến Hợi - đại diện gia đình cảm ơn sự chia sẻ, quan tâm của các nghệ sĩ, cơ quan đoàn thể trong hai ngày qua. "Bố Hợi ơi, bố ra đi thanh thản. Con sẽ lo cho mẹ và em. Bố đừng bận tâm", con trai nghệ sĩ nói với bố lần cuối.
Nghệ sĩ Tiến Hợi sinh năm 1959, quê gốc Nghệ An. Suốt nghiệp diễn, ông đau đáu với vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, nổi tiếng khi hóa thân cụ Hồ trong kịch Đêm trắng, Xin lĩnh án tử hình, Vị thánh trong mơ, Những người con Hà Nội, phim điện ảnh Hẹn gặp lại Sài Gòn, Hà Nội mùa đông năm 46. Năm 2013, sách Kỷ lục Guiness Việt Nam công nhận "Tiến Hợi là nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ qua nhiều thể loại nhất"./.