Tác hại uống rượu “xả láng” trong ngày tết

Tết đến xuân về, trong mâm cỗ cao đầy, không thể thiếu một chai rượu; người người cung chúc nhau cũng khó có thể thiếu chén rượu. Rượu đi vào mùa xuân, với những lời chúc như đã là một điều hiển nhiên. Tuy nhiên, vấn đề chúng ta cần quan tâm là nên uống rượu như thế nào trong ngày tết để vẫn giữ được không khí tụng chúc háo hức nhưng vẫn đảm bảo được sức khỏe, sự bình an.
moi-ruou-1674527747.jpg
Ảnh mang tính minh họa

Thói quen ăn uống gây hại sức khỏe dịp tết

Rượu là một trong những loại thực phẩm lâu đời nhất của con người. Cho đến bây giờ, vẫn chưa ai có thể truy nguyên được nguồn gốc của rượu nhưng có một điều chắc chắn rằng nó luôn gắn với cuộc sống con người. Khi vui người ta uống rượu, khi buồn người ta cũng uống rượu. Trong thời hiện đại, rượu con có vai trò như một “anh bạn ngoại giao”, giúp người ta cởi mở và xích lại gần nhau hơn. Đặc biệt trong các ngày lễ, tết, rượu càng được lên “ngôi”. Rượu như biểu tượng thay cho lời chào, lời chúc, thay cho tấm chân thành. Đi đâu, ngồi đâu, ta cũng bắt gặp hình ảnh chai rượu với những lời nói đi kèm: Làm chén đầu xuân nhé! Hết chén này để cho mọi sự hanh thông!...

Về góc độ văn hóa thì có lẽ chúng ta đã thấy rõ. Riêng dưới mắt các nhà khoa học, rượu kích thích sự tiết nước bọt và dịch vị, tức là giúp cho hệ tiêu hóa làm việc năng nổ. Rượu chứa nhiều Vitamin B giúp bao tử và ruột tiêu hóa nhanh các protein và glucide. Rượu ngọt giúp tiêu hóa thịt cá nhanh hơn, chống chướng bụng, đầy hơi. Các loại Champagne đều giàu potassium và magnesium, tốt cho gan… Với người phương Tây, khi làm việc căng thẳng, họ thường uống một ly rượu để xua tan cảm giác mệt mỏi hay chán nản; rượu có thể xua tan chứng nhức đầu do chứa masgnesium và lithium.

Như vậy, rượu giúp con người vui, khỏe nhưng vấn đề là uống như thế nào và uống loại gì? Ở New York có cả một trung tâm nghiên cứu về rượu được thành lập với quan điểm một ngày không uống quá ba ly thì tốt. Theo quan điểm này, thì một ngày uống không quá 3 ly giúp ta tránh được các bệnh về tim mạch, nhất là chứng tắc nghẽn động mạch. Người phương đông cũng có câu: “Bán dạ tam bôi tửu”. Với mức uống này không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn tránh được các tác động xấu do say rượu như hành xử mất tư cánh, gây gỗ, lái xe gây tai nạn…

Rượu còn là kẻ thù của những ai bị cao huyết áp, đau gan và tiểu đường

Mặt khác, trên thị tường hiện nay tràn lan các loại rượu, nhất là các loại hàng rởm, hàng không đảm bảo chất lượng, thậm chí đã xuất hiện các loại rượu được pha chế bằng các công thức hóa học. Vì vậy, khi uống rượu, cần chọn các loại rượu rõ về nguồn gốc để giữ gìn cho sức khỏe.

Đặc biệt, với mùa xuân năm nay, theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, có thể rét đậm rét hại sẽ kéo dài, vì vậy, việc uống rượu cũng cần phải đặc biệt chú ý. Vì rượu là nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp đột tử. Theo các chuyên gia cho biết, sau khi uống rượu, mạch máu ngoại vi giãn nở, nếu gặp lạnh, mạch máu sẽ co lại đột ngột, bị vỡ và rất dễ bị xuất huyết não. Sau khi uống rượu, nếu gặp lạnh đột ngột cũng dễ rối loạn tuần hoàn, hạ huyết áp, có thể gây nhồi máu cơ tim.

Một mùa xuân mới đang về, người người lại cụng ly cung chúc tân xuân. Và để cho một mùa xuân thật trọn vẹn, để năm mới thêm được nhiều niềm vui mới, chúng ta nên bắt đầu ý thức từ những chén rượu, cuộc rượu. Vui năm mới không quên nhiệm vụ giữ gìn sức khỏe và sự bình an! Một số cách giải rượu (chỉ áp dụng cho những trường hợp bị say nhẹ, còn với những người quá say thì nhanh chóng đưa đi bệnh viện).

Uống giấm ăn: Khi vừa phát hiện bị say phải lập tức uống một ít giấm ăn. Hoặc dùng 50g giấm ăn, 25g đường đỏ, 3 lát gừng đêm đun sôi rồi uống; Uống cafe: Cafe có tác dụng khá mạnh trong việc giải rượu và lợi tiểu. Sau khi say nếu thấy hiện tượng ngủ mê mệt có thể dùng nước sôi pha một ít cafe đặc, cho uống liên tục một lúc sẽ tỉnh; Uống trà đặc: Trong trà có chứa chất axit tonic có khả năng giải trừ được ngộ độc do cồn. Ngoài ra, trong trà còn chứa một lượng đáng kể caphein và kiềm trà (tein) đều có tác dụng trị liệu với những trường hợp hôn mê và ức chế hô hấp; Uống nước quýt tươi: Chon 5 quả quýt tươi (chanh tươi cũng được) ép lấy nước cho uống hoặc ăn ngay một vài quả. Có thể lấy vỏ quýt tươi lấy nước cho uống.

Ăn đậu phụ: Nếu cảm thấy uống đã quá chén hãy lập tức ăn ngày vài miếng đậu phụ; Ăn hồng: Lấy hồng tươi giã nát chát lấy nước cho uống hoặc có thể gọt vỏ cho ăn; Ăn trứng muối: Trứng muối chấm với giấm, ăn từ từ; Ăn khoai lang đỏ: Đem khoai lang đỏ cắt nhỏ hoặc làm vụn ra, thêm vào một ít đường trắng rồi cho người say ăn.

Hãy căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xử lý, tất nhiên hiệu quả sẽ khác với từng người. Cần chú ý không uống nước ngọt có ga với rượu, bia vì nước ngọt có ga sẽ làm cho cồn chạy khắp cơ thể sinh ra lượng anhydric cacbonic lớn gây nguy hại đến dạ dày, gan, thận, tim và huyết quản, có thể làm huyết áp tăng lên, thậm chí dẫn tới tử vong. Cái gì cũng vậy, vừa độ thì tốt, vượt ngưỡng thì nguy, uống rượu cũng không nằm ngoài quy luật ấy../.

Thục Chi