Buổi hội thảo tập trung trao đổi, chia sẻ thông tin về cơ chế hoạt động của Quỹ Đầu tư công Phần Lan (PIF) và tìm kiếm cơ hội hợp tác với Tập đoàn Operon, Phần Lan trong lĩnh vực xử lý nước thải. PIF cung cấp hỗ trợ tài chính đối với các dự án đầu tư công của các nước đang phát triển phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp Quốc, áp dụng công nghệ tiên tiến của Phần Lan. Đây là nguồn vốn hỗ trợ dành cho các dự án đầu tư trong các lĩnh vực cung cấp dịch vụ xã hội (nước sạch và vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, năng lượng, công nghệ sạch và các lĩnh vực phù hợp khác).
Qua đó, Việt Nam sẽ có thêm nguồn vốn đầu tư công, Phần Lan có các công ty cung cấp công nghệ tiên tiến hàng đầu tại nhiều quốc gia trong các giải pháp hiệu quả về năng lượng, bảo vệ môi trường, công nghệ sạch đáp ứng nhu cầu phát triển cấp thiết hiện nay của Việt Nam, tạo cơ hội cho các công ty tư nhân của hai nước thiết lập đối tác, hợp tác hiệu quả lâu dài. Tập đoàn Operon là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xử lý nước thải ở Phần Lan và được Chính phủ Phần Lan hỗ trợ tạo kết nối kinh doanh quốc tế. Tập đoàn đã chọn Việt Nam làm thị trường ưu tiên đầu tư ở khu vực Đông Nam Á. Đến nay, Tập đoàn đã xây dựng 2 dự án nhà máy xử lý nước thải tại Kon Tum và Pleiku với nguồn vốn từ PIF đã được Bộ Ngoại giao Phần Lan phê duyệt vốn, đang đi vào giai đoạn khảo sát để được chấp thuận hoạt động tại Việt Nam.
Tại hội thảo, phía Tập đoàn Operon mong muốn xây dựng thêm 1 - 2 dự án xử lý nước thải tại Việt Nam từ nguồn vốn PIF và cam kết sẵn sàng giúp đỡ các tỉnh, thành phố ở Việt Nam làm thủ tục xin hỗ trợ của PIF. Tập đoàn sẽ hỗ trợ kết nối cán bộ các tỉnh, thành phố sang Phần Lan học chuyên sâu về ngành xử lý nước, công nghệ môi trường. Về phía các địa phương của Việt Nam cũng mong muốn được hỗ trợ từ nguồn vốn từ PIF và được Tập đoàn Operon nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung nhằm xử lý hiệu quả về thoát nước và xử lý nước thải, bảo vệ môi trường.
Toàn quốc hiện có 69 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế khoảng 1,4 triệu m3/ngày. Tuy nhiên, chỉ có 13% lượng nước thải đô thị được thu gom để xử lý có nguy cơ dẫn đến việc ô nhiễm môi trường nước mặt, cũng như nước ngầm. Trong những năm tới, Việt Nam có nhu cầu đầu tư các công trình xử lý nước thải, dự kiến năm 2025 sẽ cần 8,3 tỷ USD cho các dịch vụ xử lý nước thải cho khoảng 36 triệu người dân đô thị.
Tại tỉnh Sơn La, hiện có 3 hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung tại thành phố Sơn La, thị trấn Mộc Châu và thị trấn Nông trường Mộc Châu, với công suất thiết kế 1.500 - 6.800 m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư khoảng 1.100 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Đức, Hàn Quốc và vốn đối ứng ngân sách nhà nước. Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, tỉnh Sơn La mong muốn Tập đoàn quan tâm xem xét, hỗ trợ, tham gia hợp tác với tỉnh triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, mở rộng các hệ thống thu gom, xử lý nước thải từ nguồn vốn của Quỹ đầu tư công Phần Lan.
Phát biểu tại buổi hội thảo, bà Đặng Thị Hải Tâm, Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan nhấn mạnh: Việt Nam và Phần Lan có lịch sử quan hệ bền vững lâu dài gần 50 năm. Trong những năm gần đây, hai quốc gia đã không ngừng tăng cường giao lưu thương mại với các cam kết cấp cao của hai Chính phủ. Thời gian tới, bà hi vọng các bên tiếp tục trao đổi, chia sẻ thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực xử lý nước thải, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng môi trường môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài./.