Sơn La: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng tăng hiệu quả kinh tế

Những năm qua, một số huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, giải quyết việc làm, từng bước giảm tỉ lệ hộ nghèo.
sla-1701762376.jpg
Ảnh minh họa.

Trước đây, huyện Phù Yên (Sơn La) là một trong những địa phương cực kỳ khó khăn nhưng đến nay đã “lột xác” ngoạn mục nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây mới, có hiệu quả kinh tế cao vào canh tác, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Yên cho biết, huyện đã thành lập các đoàn công tác tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể về các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng. Từ đó xây dựng quy hoạch vùng trồng các loại cây phù hợp. Đặc biệt, hỗ trợ hơn 30 tỉ đồng mua con giống, cây giống, mỗi năm tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân.

Theo thống kê, hiện địa phương đang duy trì hơn 13.700ha lúa; 2.510ha cây ăn quả các loại; trên 1.100ha cỏ phục vụ chăn nuôi và gần 5.000ha trồng cây hoa màu và cây trồng khác.

Tiếp đến, tại huyện Bắc Yên cũng có gần 23.500ha đất trồng cây nông nghiệp, trong đó, trên 8.000ha đất trồng cây lương thực có hạt. Huyện đã chỉ đạo lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án phát triển sản xuất hỗ trợ nhân dân thực hiện chuyển đổi cây trồng; quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng bền vững. Khuyến khích nhân dân giảm dần diện tích trồng ngô, lúa nương và những cây trồng khác trên đất dốc kém hiệu quả, đưa các loại giống cây phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Được biết, đến nay, tỉnh Sơn La đã có 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 3 huyện thoát nghèo là Mường La, Bắc Yên và Vân Hồ.

Để đạt được những kết quả này, UBND tỉnh Sơn La đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đa chiều, đặc biệt tập trung vào nhóm người nghèo là người dân tộc thiểu số; triển khai nhiều chương trình tạo việc làm, đa dạng hóa sinh kế cho người dân.

Bên cạnh đó, phối hợp với các huyện để tổ chức hàng trăm hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, đã tuyên truyền thông tin về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cho khoảng 23.000 người; tập trung vào các giải pháp khai thác thế mạnh của vùng và phát triển du lịch các địa phương một cách đồng bộ.

Tỉnh Sơn La còn tập trung phát triển trồng, chế biến các loại cây công nghiệp cho giá trị kinh tế cao như cà phê, được công nhận vùng ứng dụng công nghệ cao cho cà phê, xây dựng duy trì, phát triển chuỗi cung ứng cà phê an toàn./.

Ánh Dương (t/h)