Sẵn sàng chào đón doanh nghiệp Thụy Điển đầu tư trong lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển xanh

Thụy Điển sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh về các giải pháp gia tăng hàm lượng sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất hàng hóa để sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào châu Âu, tận dụng hiệu quả lợi ích của Hiệp định EVFTA cho tăng trưởng thương mại và kinh tế.

Thông tin trên được ông Hakan Jevrell - Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Hợp tác Phát triển Quốc tế và Ngoại thương Thụy Điển cho biết tại buổi làm việc với ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM vào sáng ngày 13/3.

hop-tac-viet-nam-thuy-dien-01-1710316483.jpg
Quảng cảnh buổi đón tiếp của ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố với ông Hakan Jevrell, Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Hợp tác Phát triển Quốc tế và Ngoại thương Thụy Điển.

Sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp Thụy Điển

Tại buổi đón tiếp, ông Võ Văn Hoan khẳng định, TP.HCM chào đón và sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp Thụy Điển tìm hiểu xúc tiến đầu tư, hợp tác kinh doanh tại Thành phố, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển xanh, bền vững.

Ông Võ Văn Hoan cho rằng trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến công tác của ông Hakan Jevrell tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự Thảo luận bàn tròn doanh nghiệp Thụy Điển-Việt Nam về đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững có ý nghĩa thiết thực thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước cũng như quan hệ song phương giữa hai nước.

Việt Nam và Thụy Điển cần tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu hiện nay như chống biến đổi khí hậu, tìm kiếm giải pháp cho sự tăng trưởng xanh, bền vững...

Ông Võ Văn Hoan cho biết Thành phố Hồ Chí Minh xác định chiến lược phát triển tương lai là đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững.

Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao kinh nghiệm, trình độ công nghệ, nguồn lực của các doanh nghiệp Thụy Điển và mong muốn Thụy Điển tăng cường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, tri thức, công nghệ trong lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển xanh, bền vững.

Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng hợp tác cùng các doanh nghiệp Thụy Điển trong thúc đẩy thương mại song phương, hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

hop-tac-viet-nam-thuy-dien-03-1710316530.jpg
IKEA là một trong những thương hiệu của Thụy Điển được ưa chuộng tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo trong sản xuất, ông Võ Văn Hoan bày tỏ mong muốn Thuỵ Điển tăng cường hơn nữa phối hợp tổ chức các chương trình giao lưu, gặp gỡ giữa doanh nghiệp Thụy Điển và Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh để xúc tiến hợp tác phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ thiết bị, công nghệ tiên tiến.

Đồng thời, có chính sách ưu đãi đối với các sản phẩm sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đáp ứng các tiêu chí ngày càng khắt khe của thị trường.

Doanh nghiệp hai bên cần tăng cường hỗ trợ lẫn nhau, coi việc hợp tác sản xuất sản phẩm hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn của Thụy Điển và EU là trách nhiệm chung, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại song phương giữa hai nước.

Sẵn sàng chia sẻ các giải pháp gia tăng hàm lượng sử dụng năng lượng xanh

Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Hợp tác Phát triển Quốc tế và Ngoại thương Thụy Điển cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới hiện nay, rất cần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác giữa các quốc gia, các đối tác thương mại quốc tế để cùng phát triển.

Thụy Điển mong muốn có thêm cơ hội hợp tác kinh tế, tăng cường giao lưu giữa doanh nghiệp Thụy Điển và Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.

Thụy Điển có kinh nghiệm, công nghệ và nguồn lực, sẵn sàng hợp tác chia sẻ kinh nghiệm phát triển trong các lĩnh vực Thành phố Hồ Chí Minh đang ưu tiên như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Ấn tượng với sự phát triển năng động cũng như tiềm năng của Thành phố Hồ Chí Minh, ông Hakan Jevrell bày tỏ mong muốn hiện thực hóa tiềm năng hợp tác của các đối tác Thụy Điển với Thành phố trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng hạ tầng chuyển đổi số, quản lý dữ liệu; hợp tác tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, truyền tải điện thông minh cũng như quản lý nước, xử lý nước thải, chất thải…

Thụy Điển mong muốn trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn các doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh những doanh nghiệp lớn của Thụy Điển đã có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm qua.

hop-tac-viet-nam-thuy-dien-04-1710316565.jpg
Đoàn doanh nghiệp Việt Nam thăm và tìm hiểu về hoạt động giao thương tại Thụy Điển (Ảnh minh họa)

Đánh giá về tầm quan trọng của việc phát triển năng lượng tái tạo trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, ông Hakan Jevrell cho rằng, Thụy Điển sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh về các giải pháp gia tăng hàm lượng sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất hàng hóa để sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào châu Âu, tận dụng hiệu quả lợi ích của Hiệp định EVFTA cho tăng trưởng thương mại và kinh tế.

Bên cạnh đó, Thụy Điển cũng mong muốn đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác với Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ ngoại giao nhân dân; trao đổi sinh viên; sẵn sàng mời gọi doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào Thụy Điển.

Cùng ngày, ông Võ Văn Hoan và ông Hakan Jevrell đồng chủ trì và phát biểu tại sự kiện Thảo luận bàn tròn doanh nghiệp Thụy Điển-Việt Nam về đổi mới và phát triển bền vững, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức./.

Năm 2024 đánh dấu mốc lớn kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển. Qua thời gian, mối quan hệ gắn bó khăng khít không ngừng được củng cố, phát huy theo chiều sâu, hợp tác song phương Việt Nam - Thụy Điển ngày càng được đa dạng hóa trên nhiều lĩnh vực và Việt Nam ngày càng trở nên là điểm đến kinh doanh đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Thụy Điển.

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 1,288 tỷ USD (giảm 20,4% so với năm 2022), trong đó xuất khẩu đạt 946,1 triệu USD (giảm 25,2%) và nhập khẩu đạt 341,9 triệu USD (giảm 3,3%). Mặc dù nổi tiếng về phát triển các ngành công nghệ cao như điện tử, điện gia dụng, tin học nhưng Thụy Điển vẫn phải nhập khẩu gần như toàn bộ các mặt hàng tiêu dùng phục vụ cuộc sống hằng ngày, trong đó đặc biệt là may mặc, giày dép, cà phê… mà đây là các mặt hàng truyền thống, có thế mạnh của Việt Nam.

Về đầu tư, Thụy Điển xếp hạng thứ 29 trong số 143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 109 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư hơn 733 triệu USD. Hiện đang có hơn 70 công ty Thụy Điển có văn phòng tại Việt Nam và hiện đang tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như: Công nghệ thông tin và viễn thông, Điện lực, Máy móc cơ khí, công nghiệp ô tô và khai khoáng, Hàng điện tử gia dụng, Công nghiệp bao bì, Kinh doanh bán lẻ…

Bình Nguyên