Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia được thông qua

Quy hoạch tài nguyên nước nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch tài nguyên nước quốc gia sẽ định hướng tổng thể việc điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên phạm vi toàn quốc, vùng kinh tế, lưu vực sông...

Trong buổi họp mới đây, Hội đồng thẩm định Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã thống nhất thông qua quy hoạch trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên. Hội đồng đã bỏ phiếu hồ sơ quy hoạch với kết quả 100% ý kiến thông qua.

Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phân tích, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nước và nhu cầu sử dụng nước trong kỳ quy hoạch, được tổng hợp từ thông tin, số liệu của khoảng 7.490 hồ chứa (dung tích hơn 50.000m3 trở lên); 35.900 công trình khai thác, sử dụng nước khác; dữ liệu vận hành của hơn 130 hồ chứa trong 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa và khoảng 200 hồ chứa khác được cập nhật thường xuyên, liên tục trên trang web của Bộ Tài nguyên và Môi trường; số liệu quan trắc của gần 1.000 điểm quan trắc nước dưới đất.

Đây là quy hoạch ngành quốc gia lần đầu tiên được lập trong lĩnh vực tài nguyên nước, là định hướng tổng thể cho các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch lưu vực sông và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có khai thác, sử dụng nước.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là quy hoạch rất quan trọng, độ phức tạp cao, lần đầu tiên tổ chức thực hiện. Quản lý tài nguyên nước không chỉ là vấn đề quốc gia mà đang được cả thế giới quan tâm, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Do đó, phải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng sớm quy hoạch này để bảo đảm mục tiêu quản lý tài nguyên nước hiệu quả.

anh-bai-xuan-hop-1663660823.jpg
Công trình thủy điện Hòa Bình. Ảnh minh họa

Tại cuộc họp, Hội đồng đã nghe báo cáo tóm tắt quy hoạch, báo cáo thẩm định và các ý kiến phát biểu của chuyên gia, uỷ viên phản biện và các thành viên. Hội đồng đánh giá cao công tác chuẩn bị, xây dựng quy hoạch. Nội dung quy hoạch cơ bản phù hợp với nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, bảo đảm tính thực tiễn, có tầm nhìn, đúc rút kinh nghiệm quốc tế; đã nêu rõ 5 định hướng lớn, 7 nhóm giải pháp trọng tâm.

Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát lại các số liệu, bảo đảm nhất quán. Quy hoạch phải làm rõ hơn các giải pháp về bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ chất lượng nguồn nước, như giải pháp đối với tình trạng mực nước sông Hồng xuống thấp, giải pháp khắc phục tình trạng úng ngập, hạn hán ở miền Trung, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Giải pháp bảo vệ môi trường là hàng đầu. Giải pháp không chỉ một bộ, ngành mà phải tổng thể.

Trước một số ý kiến kiến nghị bổ sung thêm danh mục các hồ chứa, Phó Thủ tướng cho rằng vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần được quy hoạch thêm một số hồ chứa quy mô đủ lớn để góp phần chủ động nguồn nước, ứng phó tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tính toán cân bằng nước (cung-cầu) cho 19 lưu vực sông và 6 vùng kinh tế (theo cả năm, mùa lũ, mùa cạn). Trên cơ sở đó, đánh giá tổng quan mức độ thiếu nước, khả năng đáp ứng và mức độ căng thẳng nguồn nước đến các tiểu lưu vực. Nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình lập quy hoạch tài nguyên nước, thì một số quy hoạch liên quan cũng đang được lập như quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi, quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long... đề nghị chủ động phối hợp để cập nhật, bảo đảm tính đồng bộ giữa các quy hoạch.

Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên nước rất dồi dào (106 lưu vực sông với khoảng 3.450 sông, suối) song phân bố không đồng đều theo thời gian và không gian (Lượng nước trong 3-5 tháng mùa lũ chiếm tới 70-80%, trong khi đó 7-9 tháng mùa kiệt chỉ xấp xỉ 20-30% lượng nước cả năm), có tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ, suy thoái, khô hạn ở một số nơi, lưu lượng nước không đều, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, sạt lở, nước biển dâng; áp lực phát triển KTXH làm cho nhu cầu sử dụng nước gia tăng; ô nhiễm môi trường…

"Theo dự báo của WB, nếu không giải quyết triệt để các thách thức này thì đến năm 2045, Việt Nam sẽ là quốc gia căng thẳng về nguồn nước", ông Châu Trần Vĩnh nói.

Thi Nguyên (t/h)