Quốc Oai (Hà Nội): Thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp sinh thái

Trong những năm qua, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc đưa tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho các HTX, hộ kinh doanh tiến tới hình thành nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại và phát triển bền vững.
z6628507030781-6fbcb3eec23e23c00da0d6f6b75a2844-1747972854.jpg
Huyện Quốc Oai đặt mục tiêu đến năm 2030 hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp số và nông nghiệp hữu cơ. Mỗi năm, tăng từ 10 - 20% số mô hình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao

Quốc Oai là địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp với hơn 7.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều vùng trồng lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi tập trung. Xác định rõ vai trò quan trọng của nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế, huyện đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, chất lượng cao.

Theo đó, nhằm thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội, huyện đã xây dựng và triển khai Chương trình số 176/CTr-UBND ngày 27/5/2021 và mới đây là Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 15/4/2025 về phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2030. Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Quốc Oai xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đại diện lãnh đạo huyện Quốc Oai cho biết: “Huyện xác định rõ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là giải pháp căn cơ để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, gia tăng giá trị và bảo vệ môi trường sinh thái. Chúng tôi không chạy theo phong trào mà lựa chọn cách đi vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng của địa phương.”

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Môi trường Quốc Oai, trên cơ sở định hướng và hỗ trợ từ các cấp, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai thành công tại các địa phương trong huyện.

z6628507047517-cc84353c6fcd22d63a253ac391384a86-1747968380.jpg
Nhà màng hiện đại sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, giúp tiết kiệm nước và tăng năng suất cây trồng.

Trong lĩnh vực trồng trọt, các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao như Japonica J02, QR15 đã được áp dụng tại nhiều xã như Sài Sơn, Ngọc Liệp, Cấn Hữu… với quy mô hàng chục hecta. Việc sử dụng mạ khay, máy cấy, hệ thống tưới thông minh và ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí lao động và tác động đến môi trường.

Cùng lĩnh vực trồng trọt, nhiều mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà màng, nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, canh tác theo quy trình VietGAP bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong chăn nuôi, huyện đã quy hoạch ba vùng chăn nuôi tập trung tại Cấn Hữu, Cộng Hòa, Tân Hòa với tổng diện tích hơn 100 ha. Các mô hình chăn nuôi gia cầm đẻ trứng ứng dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn tự động, camera giám sát, hệ thống xử lý môi trường hiện đại… đã giúp nâng cao sản lượng và bảo đảm an toàn sinh học. Sản lượng trứng trung bình đạt gần 860 nghìn quả/ngày, tiêu thụ ổn định qua hệ thống thương lái và doanh nghiệp liên kết.

z6628507041378-b4dfcb6c1edae0be6058de45cb16e3c8-1747968403.jpg
Nhiều mô hình nông nghiệp thành công nhờ chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương

Lĩnh vực thủy sản cũng ghi nhận chuyển biến rõ nét với mô hình nuôi cá sông trong ao tĩnh tại các xã Hòa Thạch, Đông Yên, Cấn Hữu… Công nghệ nuôi cá trong bể xi măng, có hệ thống lọc nước tuần hoàn và kiểm soát môi trường chặt chẽ giúp nâng cao sản lượng và chất lượng thủy sản.

Điển hình là phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái đang mở ra hướng đi mới cho nông dân. Hiện, mô hình này được Hợp tác xã Nông nghiệp xứ Đoài ở xã Cộng Hòa (huyện Quốc Oai) triển khai thành công. Qua đó, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, hạn chế tình trạng ruộng bỏ hoang, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xứ Đoài Vương Đắc Lộc, khi bắt đầu triển khai mô hình (năm 2023), hợp tác xã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, song các thành viên không nản chí. Hợp tác xã đã huy động mọi nguồn lực để phát triển sản xuất, mở rộng mô hình kinh doanh theo mục tiêu, định hướng đã xây dựng.

mg-8229-1747968948.JPG
 Vườn nho hạ đen của Hợp tác xã Nông nghiệp xứ Đoài

“Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, giống nho Hạ đen thích nghi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây nên mở rộng diện từ 5 sào lên 2ha. Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, mô hình thành công ngoài mong đợi. Hằng năm, ngoài thu hút khoảng 6.000 lượt khách tham quan trải nghiệm vườn nho, đem lại nguồn thu từ bán vé khoảng 150 triệu đồng, hợp tác xã còn cung cấp cho thị trường hơn 7 tấn nho tươi, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/năm”, ông Vương Đắc Lộc cho hay.

mg-8226-1747968948.JPG
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xứ Đoài Vương Đắc Lộc tiếp đoàn khảo sát Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Quốc Oai 

Từ thành công của mô hình nho Hạ đen, Hợp tác xã Nông nghiệp xứ Đoài còn triển khai dự án trồng sen quy mô 10ha, dự kiến mở rộng lên 20ha nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch trải nghiệm để thu hút du khách. Theo đó, khi đến hợp tác xã, du khách có thể tham quan, giao lưu, chụp ảnh tại vườn nho và trang trại sen với giá vé 15.000 đồng/lượt đối với trẻ em và 30.000 đồng/lượt đối với người lớn, không giới hạn thời gian.

Trao đổi với phóng viên đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường chia sẻ: “theo chủ trương của huyện, Quốc Oai đặt mục tiêu đến năm 2030, hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp số và nông nghiệp hữu cơ. Mỗi năm, tăng từ 10 - 20% số mô hình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Toàn huyện sẽ có ít nhất 2-3 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”.

Bên cạnh đó, huyện chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như: Chè Long Phú, Nhãn chín muộn Đại Thành, Gà đồi Đông Yên, Thịt lợn sinh học Quốc Oai, Bưởi chua đầu tôm Sài Sơn, Trứng gà thả đồi Quốc Oai, Tinh dầu dược liệu Quốc Oai... Hình thành 6-7 vùng cây ăn quả chuyên canh và 5 mô hình thủy sản công nghệ cao tại các vùng ven sông Tích.

z6628497821791-b8d7d4617a14ea68a804aaf386acb72b-1747968955.jpg
 
z6628507042606-44892df8c32a57d4af82c6fdd0d6666f-1747969069.jpg
Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái của HTX Nông nghiệp xứ Đoài - Quốc Oai.

Đặc biệt, các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ như chuỗi gà đồi Đông Yên, chuỗi thịt lợn sinh học Quốc Oai và chè Long Phú được tiếp tục đầu tư mở rộng, nhằm gia tăng giá trị, bảo đảm đầu ra bền vững cho nông dân.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, huyện Quốc Oai tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và nông dân; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận chính sách tín dụng, chuyển giao kỹ thuật; xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của nông nghiệp công nghệ cao.

Với sự đồng thuận từ cấp ủy, chính quyền và người dân, Quốc Oai đang từng bước khẳng định vị thế là địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thủ đô, hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại, giá trị cao và phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu trên địa bàn huyện./.

Xuân Hiếu