Sáng 19/2, với 456/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,40% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.

Nghị quyết được áp dụng đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước trong các trường hợp thành lập, tổ chức lại (bao gồm việc sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức của các cơ quan dưới các hình thức chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn), thay đổi tên gọi, thay đổi mô hình, cơ cấu tổ chức, giải thể cơ quan để thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Các vấn đề được xử lý theo Nghị quyết là những phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước có nội dung khác hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (trừ Hiến pháp), văn bản hành chính và các hình thức văn bản khác đang còn hiệu lực tại thời điểm thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua và được thực hiện đến hết ngày 28/2/2027.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị không quy định việc sắp xếp số lượng cấp phó trong Nghị quyết này mà giao Chính phủ quy định.
Với nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, hiện nay, số lượng cấp phó của người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức đang được quy định cụ thể tại nhiều luật, nghị quyết và cả các văn bản dưới luật. Khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, nhất là trường hợp sáp nhập, hợp nhất các cơ quan, thì số lượng người giữ vị trí cấp phó của người đứng đầu trong các cơ quan có thể sẽ cao hơn so với quy định. Do đó, trong Nghị quyết này cần có quy định về số lượng cấp phó của người đứng đầu để có cơ sở cho việc tổ chức thực hiện.

Theo nghị quyết, khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước mà số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định của pháp luật thì chậm nhất là 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải theo đúng quy định.
Trường hợp văn bản hiện hành quy định trách nhiệm phối hợp công tác giữa cơ quan thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp với cơ quan khác thì cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được sắp xếp chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện nội dung công việc đó theo quy định.
Cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước tiếp tục thực hiện các công việc, thủ tục đang được các cơ quan thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp thực hiện. Trường hợp các công việc, thủ tục đang thực hiện hoặc đã hoàn thành trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước nhưng phát sinh vấn đề liên quan cần giải quyết sau khi sắp xếp thì cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan liên quan để giải quyết các vấn đề phát sinh đó.
Theo ông Tùng, với ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về việc thực hiện chức năng thanh tra do hiện nay chưa xác định được phương án sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan thanh tra, UBTVQH đã tiếp thu ý kiến của ĐBQH và đã cùng các cơ quan của Chính phủ rà soát và chỉnh lý quy định trong dự thảo Nghị quyết để bảo đảm bao quát, phù hợp với phương án tổ chức bộ máy các cơ quan thanh tra theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Trong nghị quyết, việc giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra đối với cơ quan được hình thành hoặc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm tính tiếp nối, không bỏ trống hoặc trùng lặp về phạm vi thẩm quyền giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan chịu sự giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước dẫn đến thay đổi tên gọi nhưng không thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì được giữ nguyên thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước dẫn đến thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh đó phù hợp với các nguyên tắc của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trong thời gian Chính phủ chưa có quy định thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước do Chánh Thanh tra, Chủ tịch UBND hoặc các chức danh khác đang có thẩm quyền xử phạt tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật cho đến khi có quy định thay thế.../.
Sáng 19/2, phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 6,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, đổi mới, khoa học, trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra.
Trên cơ sở bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, dân chủ thảo luận, thể chế hóa thành pháp luật; cùng với tinh thần hết sức cầu thị lắng nghe, nghiên cứu kỹ lưỡng để giải trình, tiếp thu, chỉnh sửa của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra; tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 4 luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và 4 Nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; thông qua 6 Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án, công trình trọng điểm quốc gia.
“Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.