Quảng Trị: Nhiều mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2 – 4 lần so với trồng lúa nước

Vụ Hè – Thu năm 2023, các địa phương ở tỉnh Quảng Trị đã chuyển đổi 280 ha ruộng lúa thiếu nước sang các loại cây trồng cạn như dưa hấu, đậu xanh, ngô sinh khối qua đó mang lại thu nhập cao gấp 2 – 4 lần so với trồng lúa nước.

Theo đó, vụ Hè Thu, các địa phương ở Quảng Trị đã tổ chức chuyển đổi 280 ha đất ruộng lúa thiếu nước sang trồng các loại cây trồng cạn, diện tích cây trồng chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nước.

Điển hình như xã Phong Bình, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) đã chuyển đổi gần 100 ha dưa cho thu nhập bình quân 60-80 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí cho lãi ròng 40-50 triệu đồng/ha (2-2,5 triệu đồng/sào) trong vòng chưa đầy 2 tháng, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa khi được mùa. Hay ở xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) đã chuyển đổi sang trồng đậu xanh hơn 40 ha, mô hình trồng ngô sinh khối mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa.

349118816-1610384326039130-3427566439169182547-n-1692191852.jpg
Người dân xã Phong Bình triển khai mô hình trồng dưa hấu trên đất ruộng thiếu nước vụ hè thu (ảnh: Đoàn Thuận)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Trị cho biết, vụ Hè Thu 2023, toàn tỉnh gieo cấy hơn 22.600 ha lúa, đạt 101,5% kế hoạch. Trong đó, diện tích lúa chất lượng cao 18.000 ha (80% diện tích gieo cấy), 6.000 ha sản xuất theo hướng cánh đồng lớn, gần 100 ha sản xuất hữu cơ và canh tác tự nhiên, 650 ha liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ.

Đến thời điểm hiện tại, diện tích lúa cơ bản trổ xong, còn khoảng hơn 2.000 ha chưa trổ. Dự kiến toàn tỉnh thu hoạch tập trung từ ngày 20/8 - 30/8/2023, năng suất ước đạt trên 55 tạ/ha. Riêng địa bàn huyện Hải Lăng bắt đầu thu hoạch từ ngày 10/8, đến nay đã thu hoạch hơn 1.000 ha, năng suất ước đạt 62 tạ/ha. Giá lúa đầu mùa dao động từ 8.500 - 9.200đ/kg (cao hơn 1.200-1.600 đồng/kg so với vụ Hè Thu năm 2022). Chi phí sản xuất giảm (15-20%), giá lúa tăng (17-20%), tiêu thụ dễ dàng, giá trị thu nhập tăng nên bà con nông dân rất phấn khởi.

Đồng thời, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cũng cho biết, đơn vị đang chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân thu hoạch lúa Hè - Thu khi vừa chín tới theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”. Yêu cầu các địa phương tổ chức các phương án sản xuất các loại cây trồng vụ Thu - Đông và vụ Đông năm 2023 (đối với các loại cây như ngô, khoai lang, mướp đắng, môn, từ, tía...) ở những vùng đảm bảo điều kiện để tăng thu nhập và nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích cũng như chỉ đạo trồng mới, tái canh các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả đảm bảo kế hoạch đề ra.

Tại buổi kiểm tra thực tế khu vực trồng lúa nước ở các địa phương vào ngày 16/08/2023, ông Hà Sỹ Đông – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị ngành nông nghiệp và các địa phương huy động tối đa máy gặt đập để thu hoạch nhanh gọn lúa Hè - Thu, cử cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa với phương châm “lúa chín đến đâu thì thu hoạch nhanh gọn đến đó”, đặc biệt trong thời điểm toàn tỉnh thu hoạch tập trung từ nay đến cuối tháng 08/2023.

dsc05923-1692191970.JPG
Ông Hà Sỹ Đồng - thứ 3 từ trái qua phải cùng cán bộ các ngành chức năng và địa phương kiểm tra ruộng lúa vụ Hè - Thu tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào ngày 16/8

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị các địa phương và ngành nông nghiệp đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong việc thu gom vận chuyển rơm rạ, ứng dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, cần chủ động rà soát, cân đối nguồn giống, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hàng hoá vật tư nông nghiệp, kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống lúa, phân bón... phục vụ sản xuất cho vụ mùa tới.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết trong thời gian qua, ông Hà Sỹ Đồng yêu cầu ngành chức năng tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi; thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, đánh giá cân đối nguồn nước để điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất./.

Đoàn Thuận