Là một trong những đơn vị chủ chốt thực hiện thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu - khâu trọng yếu điều tiết hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thời gian qua, Cục Hải quan Quảng Ninh đã triển khai hiệu quả các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy XNK an toàn. Tất cả các đơn vị trong ngành luôn chủ động trong việc gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp thông qua nhiều kênh thông tin để nắm bắt thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh; trao đổi, hướng dẫn những chính sách, thủ tục; kịp thời giải đáp hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp...
Cục Hải quan tỉnh cũng đã ký kết và triển khai thực hiện có hiệu quả thỏa thuận hợp tác hải quan - doanh nghiệp với các doanh nghiệp làm thủ tục qua địa bàn. Đồng thời thành lập và hoạt động hiệu quả nhiều mô hình, như: Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc và thủ tục hải quan tại cấp cục và cấp chi cục; tổ hỗ trợ và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp; tổ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, thủ tục hải quan và đồng hành cùng doanh nghiệp; tổ tư vấn hải quan - doanh nghiệp; tổ giải quyết vướng mắc thuộc lĩnh vực nghiệp vụ...
Cùng với đó, Cục Hải quan tỉnh cũng đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả công tác CCHC, đơn giản hóa thủ tục hải quan, hướng tới hải quan không giấy tờ, trong đó đáng chú ý nhất là việc ban hành và triển khai Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của ngành hải quan. Hiện nay, cùng với các đơn vị hải quan trong cả nước, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh là một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhiều nhất với 181 dịch vụ, trong đó có 167 dịch vụ liên quan đến TTHC. Đơn vị cũng triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN theo đúng lộ trình của Tổng cục Hải quan, giúp giảm thời gian và chi phí trong việc nộp xuất trình hồ sơ của doanh nghiệp với cơ quan hải quan và các bên có liên quan...
Nhờ đó, 10 tháng năm 2022, Cục Hải quan tỉnh đã thu hút gần 1.200 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục hải quan qua địa bàn, trong đó có hơn 300 doanh nghiệp trong tỉnh, hơn 800 doanh nghiệp ngoài tỉnh. Các đơn vị ngành hải quan đã giải quyết thủ tục hải quan điện tử qua hệ thống VNACCS/VCIS cho hơn 61.000 tờ khai. Tổng kim ngạch các loại hình XNK đạt hơn 13 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với ngành hải quan, các sở, ngành chức năng của tỉnh cũng đã và đang tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp trên chặng đường mới. Thông qua tổ chức Hiệp hội Doanh nghiệp, tỉnh đã phổ biến và triển khai kịp thời đến cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn các văn bản hướng dẫn của các ngành chuyên môn; cung cấp hệ thống thông tin cho doanh nghiệp về thị trường, xu hướng công nghệ, môi trường, chính sách và những tác động của chính sách mới tới doanh nghiệp... Từ đó, giúp doanh nghiệp nắm được các cơ sở pháp lý để định hướng chiến lược kinh doanh, điều chỉnh hoạt động phù hợp với thực tế.
Đặc biệt, trong thời gian qua, tỉnh đã báo cáo Chính phủ xây dựng kế hoạch và ban hành các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và chủ động xây dựng, ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho doanh nghiệp. Điển hình như các Nghị quyết số 256/2020/NQ-HĐND, số 286/2020/NQ-HĐND, số 316/2020/NQ-HĐND... về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch, tạo cơ hội để các doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch; đề án và chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Chương trình cải cách hành chính tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030 nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh chóng các TTHC cho người dân, doanh nghiệp; Quyết định số 2649/QĐ-UBND ngày 10/8/2021 điều chỉnh giảm 41 cuộc thanh tra, 316 cuộc kiểm tra, 135 cuộc kiểm tra liên ngành nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh, tập trung ổn định sản xuất kinh doanh...
Nhờ sự đồng hành, hỗ trợ chủ động, tích cực, thực chất của tỉnh, đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh có gần 17.700 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký với tổng vốn đạt gần 400.000 tỷ đồng, trong đó có gần 11.000 doanh nghiệp đang hoạt động có kê khai thuế. Tính đến tháng 10/2022, toàn tỉnh cũng có hơn 1.900 đơn vị thành lập mới với số vốn đăng ký gần 17.000 tỷ đồng; gần 900 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 17% so cùng kỳ 2021.
9 tháng năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh đã đóng góp ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh hơn 25.000 tỷ đồng (bằng 118% cùng kỳ 2021). Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn nhà nước đóng góp gần 11.000 tỷ đồng (bằng 109% cùng kỳ 2021); khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp gần 3.500 tỷ đồng (bằng 100% cùng kỳ 2021); khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp trên gần 1.300 tỷ đồng (bằng 113% cùng kỳ 2021)..../.