Quảng Ngãi phát triển Đề án giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng

Quảng Ngãi tập trung triển khai thực hiện phát triển Đề án giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu cụ thể Đề án đề ra đến năm 2030, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng bình quân đạt 2,5 triệu m3/năm. Diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt khoảng 40.000 ha, góp phần nâng công suất, giá trị rừng trồng, đáp ứng nhu cầu gỗ cho ngành chế biến gỗ.

rung1-1718204866.jpg
Mục tiêu đến năm 2030 duy trì độ che phủ rừng ổn định 52%. (Ảnh minh họa)

Trồng rừng và phục hồi rừng phòng hộ bằng các loại cây bản địa, cây gỗ quí, hiếm, nguy cấp và một số lâm sản ngoài gỗ, góp phần duy trì độ che phủ rừng ổn định 52%.

Nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, gắn với phát triển các loại hình du lịch sinh thái gắn liền du lịch tâm linh với tri thức bản địa. Tăng năng suất trồng rừng góp phần giảm thiểu tác hại do thiên tai, chống xói mòn, giữ nguồn nước và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát huy sử dụng nguồn vốn từ dịch vụ môi trường rừng, và các nguồn hợp pháp khác để tăng giá trị thu nhập từ rừng lên 5%/năm.

Để thực hiện hiệu quả Đề án, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp then chốt, trọng tâm như:

Về phát triển nguồn nguyên liệu gỗ và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chủ rừng sử dụng giống cây có nguồn gốc và chất lượng cao. Áp dụng biện pháp trồng thâm canh gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, không khai thác gỗ non.

rung-1718205088.jpg
Áp dụng thâm canh gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ (Ảnh minh họa)

Liên kết thị trường và tạo mối liên kết chuỗi hành trình sản phẩm gỗ rừng trồng từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Tạo điều kiện cho chủ rừng liên kết, tiếp cận thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.

Về phát triển lâm sản ngoài gỗ và dược liệu, chọn những loại có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.

Nhân rộng các mô hình tại các huyện miền núi, có diện tích rừng tự nhiên lớn như Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng, Sơn Tây, Minh Long. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển hiệu quả mô hình tại các địa phương. Tiến tới xây dựng các sản phẩm OCOP về dược liệu, các sản phẩm phù hợp với nét đặc trưng về bản sắc văn hóa dân tộc của các đồng bào dân tộc miền núi nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung.

Bên cạnh đó, còn một số giải pháp quan trọng khác, chú trọng phát triển hình thức nông, lâm, ngư nghiệp kết hợp; phát triển dịch vụ môi trường rừng và phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chủ trì xây dựng kế hoạch lâm nghiệp cho giai đoạn 2026-2030.

Đề án triển khai nhằm phát triển ngành lâm nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi trở thành kinh tế - kỷ thuật hiện đại, hiệu quả, có sức mạnh cạnh tranh cao. Phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, kết hợp phát triển nông, lâm nghiệp. Phát huy tiềm năng và lợi thế của tài nguyên rừng, gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh. Góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân sống gần rừng, sống bằng nghề rừng. Triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, giá trị cao, góp phần cho sự phát triển bền vững của tỉnh./.

Thành Chung