Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cần đặt mục tiêu rõ ràng và có kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể về xử lý các các tổ chức tín dụng yếu kém, trước hết là sớm xử lý được các ngân hàng thương mại mua bắt buộc, không để tình hình xấu thêm, gây mất an toàn hệ thống.
* Nhiều rủi ro từ lạm phát, nợ xấu
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Ngân hàng Nhà nước cần phải phấn đấu giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên, nâng cao chất lượng tín dụng và tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển các dự án kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh phát triển tín dụng tiêu dùng, góp phần giảm nạn tín dụng đen và tội phạm về cho vay qua các ứng dụng công nghệ.
“Cùng với đó là theo dõi sát, chỉ đạo các tổ chức tín dụng có phương án, giải pháp để xử lý, giữ mức nợ xấu trong tầm kiểm soát, bảo đảm an toàn, bảo đảm các tổ chức tín dụng hoạt động đúng quy định pháp luật và hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, bền vững”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú, sự xuất hiện của biến chủng Omicron khiến triển vọng kinh tế, lạm phát toàn cầu năm 2022 khó dự báo đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho ngành ngân hàng.
Do đó, Phó Thống đốc cho biết, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong năm tới sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ áp lực lạm phát nhất là trong điều kiện chính sách tiền tệ đã được nới lỏng kéo dài trong mấy năm qua. Phó Thống đốc nhận định những khó khăn như vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt dãy, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ... đến năm 2022 sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng do có độ trễ.
Theo Phó Thống đốc, tính đến thời điểm hiện tại, nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu, thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 7,31%.
Cùng với đó, việc mở rộng quy mô tín dụng và thái quá các chính sách hỗ trợ thông qua các chương trình, các gói tín dụng ưu đãi (cả về vốn và lãi suất) nếu không được nhận diện đầy đủ, kịp thời và sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa thì không chỉ khó khăn cho điều hành chính sách tiền tệ trong việc cung ứng tiền từ ngân hàng nhà nước, mà còn tạo áp lực không nhỏ đến việc cân đối nguồn vốn cũng như chiến lược nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng.
Từ đó, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống trong trung - dài hạn, cũng như làm méo mó thị trường lãi suất, thị trường tín dụng khi có nhiều gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi khác nhau cùng được triển khai thực hiện.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc cung ứng vốn cho nền kinh tế (đặc biệt vốn trung dài hạn) vẫn chủ yếu từ hệ thống ngân hàng, từ đó làm gia tăng rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản kéo theo sức ép và rủi ro lên hệ thống tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, việc ban hành chính sách cơ cấu, giãn hoãn nợ đến hạn hiện nay là giải pháp tình thế, cần thiết trong ngắn hạn, tuy nhiên việc kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng trong trung hạn.
Trên thực tế, việc tái cơ cấu đã biến các khoản cho vay ngắn hạn thành trung dài hạn, cũng như tạm thời không ghi nhận mức độ rủi ro thực tế của khách hàng.
Phó Thống đốc cũng chỉ ra bất cập rằng dịch bệnh kéo dài làm cho năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút, khách hàng khó đáp ứng điều kiện vay vốn khiến việc xem xét cho vay mới gặp khó khăn. Nhưng nếu tạo điều kiện cho khách hàng sẽ dễ dẫn đến việc nới lỏng điều kiện vay vốn, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu.
Bên cạnh đó, việc thẩm định, giải ngân tín dụng, thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thủ tục xử lý nợ và việc trả nợ ngân hàng của khách hàng cũng gặp khó khăn khi thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, kể cả giãn cách cục bộ.
Về vấn đề tăng vốn, Phó Thống đốc cho rằng nguồn lực cho các ngân hàng thương mại Nhà nước còn bất cập với vai trò và trách nhiệm thực hiện chính sách, cũng như việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ.
Theo đó, việc thực hiện nhiều chương trình tín dụng chính sách, gói hỗ trợ vừa qua và sắp tới, nhưng các ngân hàng này chưa được ngân sách nhà nước bố trí đủ vốn hoặc chưa được bố trí nguồn cấp bù lãi suất phần nào gây khó khăn cho các ngân hàng.
Mặt khác, vốn điều lệ các ngân hàng thương mại Nhà nước tăng không tương xứng với vai trò, vị thế đã hạn chế năng lực của các ngân hàng này trong việc mở rộng tín dụng, tham gia vào các dự án lớn, các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia (điện, BOT giao thông, sân bay, cảng biển,..) hoặc mở rộng tín dụng đối với nhiều lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; ảnh hưởng đến vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường.
* Siết tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Con số này trong năm 2021 ước đạt 13,5% - 14%, tính đến 28/12, tăng trưởng tín dụng đạt 12,97% với tổng dư nợ toàn nền kinh tế đạt 10,38 triệu tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp...; kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Về quản lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để kiểm soát và xử lý nợ xấu; ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan, tỷ lệ nợ xấu nội bảng phấn đầu duy trì ở mức an toàn dưới 3%.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp nhằm góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau khi được Quốc hội phê chuẩn.
Tại hội nghị, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Phan Đức Tú đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan tạo điều kiện để các ngân hàng tăng vốn điều lệ, nâng hệ số an toàn vốn.
Ông Phan Đức Tú cũng đề xuất Quốc hội luật hóa hoặc kéo dài Nghị quyết 42, đồng thời tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý xây dựng ngân hàng điện tử, quy định về dữ liệu khách hàng - điều kiện tiên quyết để thực hiện chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Bên cạnh đó, ông Phan Đức Tú kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo phát triển vững chắc thị trường vốn, giảm dần phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, qua đó giảm dần rủi ro của hệ thống./.