Phân tích Hình ảnh Hà Giang trên truyền thông quốc tế

Bài nghiên cứu nhằm phân tích cụ thể những khía cạnh, hình ảnh của Hà Giang thông qua truyền thông quốc tế. Những thông tin của Hà Giang được phân tích bằng phương pháp thang đo mức độ cảm xúc từ ngữ.

Tóm tắt: Trong những năm qua, hình ảnh của Hà Giang đã tạo nhiều ấn tượng và được phổ biến rộng rãi khắp toàn thế giới thông qua nhiều phương tiện truyền thông. Nghiên cứu này nhằm làm rõ những thông tin, vấn đề, sự kiện xoay quanh tỉnh Hà Giang. Hình ảnh của Hà Giang được nghiên cứu bằng phương pháp thang đo mức độ cảm xúc từ từ ngữ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy hình ảnh của Hà Giang thông qua các tờ báo nổi tiếng của thế giới chủ yếu đều là những hình ảnh tích cực. Nghiên cứu sẽ đóng góp những phân tích cụ thể, cùng với cả những chính sách, phương hướng để phát triển hình ảnh của Hà Giang trên các tờ báo của các quốc gia trong những năm tới. Nghiên cứu còn là tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác xây dựng, phát triển hình ảnh của tỉnh Hà Giang nói riêng và Việt Nam nói chung, tạo ra những thông tin và hình ảnh đẹp về Hà Giang để thu hút nhiều sự quan tâm của truyền thông quốc tế.

1. Đặt vấn đề

Báo chí nói riêng và truyền thông nói chung đóng góp một vai trò khá lớn đối với nhận thức và hành vi của khán giả thông qua những thông tin được thể hiện một cách khách quan, chân thực. Những thông tin được tiếp cận đến khán giả trong xã hội hiện đại ngày nay phần lớn đều thông qua các phương tiện truyền thông như báo chí trên toàn thế giới. Tỉnh Hà Giang là một địa điểm của vùng đất Tây Bắc ở nước ta nổi bật về văn hoá, du lịch và cảnh sắc. Hà Giang là địa điểm thu hút truyền thông quốc tế sau khi những thông tin của tỉnh này xuất hiện trên các tờ báo quốc tế. Nghiên cứu này sẽ tìm hiểu sâu hơn về hình ảnh Hà Giang đối với truyền thông, cụ thể là tập trung vào phương tiện báo chí quốc tế, từ đó có những phân tích cụ thể hơn về hình ảnh Hà Giang.

2. Phương pháp mức độ theo thang đo từ ngữ

​​Để đánh giá bao quát một vấn đề xã hội trong cuộc sống hàng ngày, có 3 mức độ được đưa ra nhằm xác định thái độ, quan điểm của người đưa ra thông tin và người tiếp nhận thông tin đối với vấn đề đó, hoặc là xác định đặc điểm của chính thông tin, vấn đề được đưa ra. Đó là các mức độ: tích cực, tiêu cực và trung lập. Và trong bài nghiên cứu này, các mức độ sẽ được thể hiện thông qua quan điểm riêng và từ ngữ là chủ yếu. Thông qua các từ ngữ, quan điểm và thang đo từ ngữ thì bài nghiên cứu sẽ đánh giá các hình ảnh xoay quanh Hà Giang trên báo chí quốc tế.

3. Kết quả

3.1. Sơ lược về các tờ báo được khảo sát

3.1.1. Báo CNN Mỹ

Năm 1980, thời điểm mà tin tức và thông tin chính trị không được coi trọng thì Ted Turner đã có mong muốn lập ra một kênh truyền hình chỉ dành cho phát sóng mỗi tin tức nên đã thành lập ra kênh truyền hình CNN (Cable News Network - mạng truyền hình cáp tin tức) với mục đích chiếu tin tức liên tục trong 24 giờ. Năm 1985, CNN cho ra mắt trang báo điện tử CNN online và bây giờ trở thành trang tin tức hàng đầu thế giới, gồm có 10 chuyên mục và luôn đưa tin về những lĩnh vực như kinh doanh, thể thao, chính trị, du lịch.

3.1.2. Báo Hankyung Hàn Quốc

Nhật báo kinh tế Hàn Quốc là tờ nhật báo lớn hàng đầu tại Hàn Quốc, chuyên đưa tin về các thông tin kinh tế và kinh doanh của thế giới. Đây là tờ báo được thành lập vào tháng 10 năm 1964 thuộc tập đoàn The Economic Daily Media Group (Truyền thông nhật báo kinh tế) và được đổi tên thành Hankyung vào năm 1980. Trước đây, tờ báo luôn đưa tin về những thông tin chủ yếu về kinh tế, kinh doanh. Tuy nhiên năm 1999 họ đã thành lập cả trang web báo điện tử và đưa nhiều tin tức đa dạng khác nhau.

3.1.3. Báo The Straits Times Singapore

The Straits Times (Thời báo eo biển) là một nhất báo tiếng Anh của Singapore, thuộc sở hữu của tập đoàn truyền thông SPH với tên gọi ban đầu là The Straits times and Singapore journal of commerce (thời báo eo biển và tạp chí thương mại Singapore). Ra mắt lần đầu vào tháng 7 năm 1845 và là tờ báo lâu đời nhất, có doanh số bán cao nhất nước Anh vì đây là tờ báo thành viên của Mạng Tin tức châu Á . Báo điện tử The Straits Times có hẳn chuyên trang cho người dân Singapore và phiên bản cho quốc tế với nhiều thông tin ở các lĩnh vực như thế giới, du lịch, công nghệ, văn hoá, chính trị.

3.1.4. Báo Der Spiegel Đức

Tờ báo Der Spiegel (Tấm gương) là một tuần báo nổi tiếng và lâu đời ở Đức với số lượng bán ra mỗi tuần khoảng 1 triệu bản. Tháng 1 năm 1947, số đầu tiên của báo Der Spiegel đã được xuất bản tại Đức và được phát hành mỗi thứ 2 hàng tuần. Đây là tờ báo cung cấp các thông tin thông tin quan trọng nhất, phần lớn là về chính trị bằng tiếng Đức. Năm 1994 thì báo điện tử Spiegel Online đã được ra mắt với rất nhiều chuyên mục khác nhau nhưng vẫn chủ yếu đưa nhiều tin tức về chính trị.

3.2. Hình ảnh của Hà Giang trên báo chí quốc tế

3.2.1. Báo CNN Mỹ

Bài báo đầu tiên nói về Hà Giang trên CNN được viết vào tháng 3 năm 2017 với tựa đề “Tour mô tô: Lịch sử, văn hoá Việt Nam trên 2 bánh”. Bài báo rất thú vị khi lấy góc nhìn từ chiếc xe máy để nhìn ra cả lịch sử và văn hoá Việt Nam. CNN đã cung cấp hình ảnh một con đường cong, uốn lượn với tính từ ngoằn ngoèo (twisting) tạo cho du khách cảm giác có một chuyến đi ngoạn mục (spectacular). Đèo Mã Pí Lèng được miêu tả là địa hình đẹp nhất cả nước với tính từ đẹp (exquisite), là con đường thử thách nhất, là khung cảnh giật gân (sensational) nhưng cũng là ký ức khó phai mờ. Bài báo đã kết luận rằng Hà Giang là bức ảnh toàn cảnh hoành tráng (epic) của Việt Nam và đã đem lại cho người đọc sự hứng khởi thông qua các tính từ: sensational - giật gân; spectacular - ngoạn mục; epic - hoành tráng.

Bài báo tiếp theo của Hà Giang trên CNN được viết cuối năm 2017, với chủ đề “Mô tô Xô Viết trở lại rầm rộ ở Việt Nam” cùng phong cách trải nghiệm thực tế. Nhân vật trải nghiệm đã cung cấp cho CNN rằng chuyến đi Hà Giang là chuyến đi rất ngoạn mục (spectacular). Họ miêu tả những ngọn núi đá vôi đen và các ngọn đồi là hình ảnh tuyệt vời (great). Nhân vật trải nghiệm đã tìm hiểu kỹ lưỡng và kết luận Hà Giang là nơi có khung cảnh rất hoang dã (wild) với những trải nghiệm thú vị.

Bài báo cuối cùng của CNN năm 2018 có nhắc đến Hà Giang đó là “Tuyệt đẹp Việt Nam: Tham quan chụp ảnh”. Bài báo này cung cấp rất nhiều hình ảnh về danh lam thắng cảnh của nước ta, bao gồm cả cao nguyên Đồng Văn hùng vĩ của Hà Giang, với gam màu xanh lá cây trong các hình ảnh xuyên suốt bài báo, giúp người đọc cảm nhận được sự gần gũi với thiên nhiên. CNN nói rằng cao nguyên đá vôi Đồng Văn là công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, nằm rải rác trong các đỉnh núi đá vôi và hẻm núi đã cho thấy sự hùng vĩ của mảnh đất này. Qua đó ta thấy được CNN đã khai thác được nhiều thông tin hay về những khía cạnh về du lịch và văn hoá của Hà Giang.

3.2.2. Báo Hankyung Hàn Quốc

Tờ báo Hankyung của Hàn Quốc có nhắc đến Hà Giang thông qua bài báo “Viên ngọc ẩn của Việt Nam, cao nguyên đá Đồng Văn” vào tháng 7 năm 2020 bằng tiếng Hàn theo phong cách trải nghiệm và xuất hiện trong chuyên mục “Quốc tế”. Mở đầu thì Hankyung đã nhắc đến Hà Giang là nơi có khung cảnh tuyệt vời bằng danh từ tuyệt cảnh (절경). Khi thực hiện chuyến du lịch, nhân vật trải nghiệm đã miêu tả Hà Giang có những con đường vách đá quanh co uốn khúc (구불구불), cạnh những đỉnh núi khổng lồ (거대하다), giống như được chạy trên bầu trời cao. Khung cảnh của Hà Giang được hiện ra với những đám mây trắng lơ lửng, được so sánh với những chiếc khăn ấm bên sườn đồi khiến cho nhân vật trải nghiệm cảm thấy sảng khoái (상쾌함).

Ngoài ra, có một con đường ở Hà Giang đi về huyện Quản Bạ, ở đó có một con sông Lô chảy xiết qua hẻm núi hình chữ V, đặc biệt con đường đi mang đậm khí chất thôn quê (시골). Tiếp theo, trên báo Hankyung có nói rằng cao nguyên đá vôi Đồng Văn cũng là một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng của người Việt Nam. Tuy nhiên thì Hankyung cũng nói rằng những con đường quốc lộ ở đây cũng nguy hiểm (위험하다) và dễ gặp tai nạn do địa hình hoặc do những người dân đứng giữa đường, nhiều nơi còn bị tắc do bùn lầy ở trên đường rất nhiều.

Kết luận của nhân vật trải nghiệm là họ cảm thấy tiếc nuối và muốn được quay trở lại Hà Giang sau những trải nghiệm du lịch tuyệt vời ở đây. Có thể thấy tờ báo Hankyung đã đưa tin về Hà Giang theo phong cách trải nghiệm cùng những tính từ, danh từ khác nhau để tạo nên một hình ảnh Hà Giang rất hùng vĩ, mang đậm tính chất của núi rừng Tây Bắc Việt Nam. Bên cạnh đó thì có một vài thông tin có nói về những nguy hiểm, rủi ro khi đi trên những con đường ở Hà Giang nhưng chủ yếu vẫn là những miêu tả về hình ảnh đẹp của mảnh đất này.

3.2.3. Báo The Straits Times Singapore

Tờ báo The Straits Times của đất nước Singapore cũng có một bài viết miêu tả vẻ đẹp của Hà Giang vào tháng 11 năm 2017. Bài báo xuất hiện trong chuyên mục “Đời sống” với nhan đề “Lễ hội tôn vinh hoa kiều mạch”. Đây là bài báo nói về lễ hội tôn vinh hoa kiều mạch ở Hà Giang vào cuối tháng 11 hàng năm. Mở đầu bài báo là một hình ảnh cánh đồng hoa kiều mạch cùng với sự khẳng định của The Straits Times rằng những cánh đồng hoa kiều mạch tuyệt đẹp ở tỉnh Hà Giang đã trở thành điểm thu hút khách du lịch trong những năm gần đây.

Mở đầu thì hình ảnh Hà Giang được khen ngợi là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch. Xinh đẹp (beautiful) và kỳ vĩ (magnificient) là 2 tính từ mà tờ báo này miêu tả về cánh đồng hoa kiều mạch được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi, điều này trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với tỉnh Hà Giang những năm qua. Tờ báo cung cấp thông tin rằng cây kiều mạch được người dân tộc thiểu số miền núi Hà Giang trồng và sử dụng làm món ăn đặc sản ở đây. Đây là điều rất thú vị khi Hà Giang cung cấp thông tin này cho tờ báo của Singapore. Tháng 11 là thời gian những thảm hoa kiều mạch nở rộ, được miêu tả giống như một cảnh tượng thật hùng vĩ với tính từ ngoạn mục (spectacular). Ngoài ra, hình ảnh núi đồi ở Hà Giang còn được miêu tả với sự bao phủ của màu trắng kiều mạch và màu hồng của hoa ban, tạo cho người đọc thấy được những khung cảnh rực rỡ đầy màu sắc của núi đồi nơi đây. Có thể thấy rất ít bài báo nước ngoài nói về một hình ảnh mới lạ đó là lễ hội hoa kiều mạch ở Hà Giang cùng với sự miêu tả rất kỹ lưỡng như vậy. Hình ảnh hoa kiều mạch hiện ra rất đẹp và hùng vĩ được hiện ra thông qua các tính từ đẹp (beautiful) hay là ngoạn mục (spectacular).

3.1.4. Báo Der Spiegel Đức

Mùa hè năm 2019, tờ báo Der Spiegel của Đức đã đăng tải một bài báo trong chuyên mục “Chuyến đi” bằng tiếng Đức với tựa đề “Tour du lịch bằng xe máy tại Việt Nam”. Mở đầu bài báo là sự khẳng định rằng Hà Giang là một trong những hành trình mà mọi người nên trải nghiệm qua, có thể hiểu bài báo đang nói đến tour du lịch bằng xe máy tại Hà Giang, giống như một gợi ý cho chuyến du lịch mà mọi người nên thực hiện vào mùa hè tới. Bài báo này được viết dưới dạng trải nghiệm của nhân vật với hành trình đi du lịch bằng xe máy lên Hà Giang. Đầu tiên, hình ảnh Hà Giang hiện lên trước mắt người đọc là hình ảnh những thửa ruộng bậc thang với tính từ xanh mướt (grüne) ở đó có những người nông dân đang cày xới bằng con trâu, con bò. Tiếp theo là hình ảnh Quản Bạ được bài báo này định nghĩa là “cổng trời” vì giống như đi lên trên trời, xung quanh bao phủ là mây, ngoài ra có cả cao nguyên đá được UNESCO công bố là công viên địa chất toàn cầu.

Thậm chí, là họ có thể gặp cả những con voọc mũi hếch đi qua những cành cây bên đường, tính từ tuyệt vời (spitze) là cảm giác mà nhân vật trải nghiệm cảm nhận khi đi lên Hà Giang. Về tour du lịch bằng xe máy thì những người lái xe mô tô ở đây sẽ trở khách du lịch đi xung quanh Hà Giang. Đặc biệt, du khách có thể đi qua những tảng đá vôi xanh, xuyên qua những hẻm núi sâu kéo dài qua những thung lũng. Ngoạn mục (spektakulärer) chính là tính từ mà nhân vật trải nghiệm đã nói về Đồng Văn. Họ cảm thấy rất gần gũi (näher) với Hà Giang vì được trải nghiệm du lịch bằng xe máy giống người bản địa. Bài báo còn cung cấp thêm rằng Hà Giang là một chuyến đi du lịch đại chúng, có nhiều khách sạn mới đã và đang được xây dựng. Có thể thấy hình ảnh Hà Giang hiện ra trong bài báo này rất gần gũi với thiên nhiên và vô cùng giản dị thông qua các sự vật, hiện tượng mà nhân vật trải nghiệm nói về Hà Giang.

3.3. Đánh giá những ảnh hưởng của truyền thông quốc tế đối với tỉnh Hà Giang

Từ năm 2017 đến năm 2020, Hà Giang đã xuất hiện nhiều trên các tờ báo quốc tế như Mỹ, Singapore, Đức và Hàn Quốc. Các bài báo cung cấp thông tin, hình ảnh về Hà Giang chủ yếu liên quan đến lĩnh vực du lịch vì đây là ngành phát triển nhất ở Hà Giang và du lịch cũng là yếu tố thu hút sự quan tâm của thế giới. Từ những phân tích trên, ta chia làm 2 loại tin tức, đó là tin tức tích cực và tiêu cực về hình ảnh của Hà Giang dựa trên phương pháp đánh giá mức độ theo thang đo từ ngữ.

Có thể thấy các hình ảnh Hà Giang trên báo chí Mỹ (CNN), Hàn Quốc (Hankyung), Singapore (The Straits Times) và Đức (Der Spiegel) đều là những thông tin tích cực về du lịch, văn hóa, phong cảnh thông qua các từ khóa như: đẹp, sảng khoái, tuyệt cảnh, ngoạn mục, hoành tráng, kỳ vĩ. Những từ khoá ấy đều thể hiện những ý nghĩa tốt đẹp, những sự đồng thuận và khen ngợi cho mảnh đất Hà Giang. Tuy nhiên, tờ báo Hankyung của Hàn Quốc có đưa tin về sự nguy hiểm của những con đường đi lên Hà Giang nhưng mục đích thông tin này chỉ để cảnh báo cho du khách về những gì có thể xảy ra, thông tin tiêu cực ở đây không gây ra tranh cãi lớn. Tất cả các thước đo cho sự tích cực, tiêu cực về hình ảnh của Hà Giang đều được thể hiện thông qua ý nghĩa của các từ khóa trong phân tích trên và các kết luận thu được của tác giả. Từ đó có bảng tổng kết sau:

Bảng 1: Tổng kết những bài báo, tin tức trên báo chí quốc tế

Cơ quan báo chí

Tên bài báo, tin tức

Đánh giá

Báo CNN

Tour mô tô: Lịch sử, văn hoá Việt Nam trên 2 bánh

Tích cực

Báo CNN

Mô tô Xô Viết trở lại rầm rộ ở Việt Nam

Tích cực

Báo CNN

Tuyệt đẹp Việt Nam: Tham quan chụp ảnh

Tích cực

Báo Hankyung

Viên ngọc ẩn của Việt Nam, cao nguyên đá Đồng Văn

Tích cực + Tiêu cực

Báo The Straits Times

Lễ hội tôn vinh hoa kiều mạch

Tích cực

Báo Der Spiegel

Tour du lịch bằng xe máy tại Việt Nam

Tích cực

(Nguồn: Tác giả tự tổng hợp)

Trong tổng số 6 bài báo được khảo sát về Hà Giang trên truyền thông quốc tế thì hầu hết đều là những bài báo nói lên những thông tin tích cực về tỉnh Hà Giang. Qua đó ta thấy được hình ảnh Hà Giang trên báo chí quốc tế nhận được nhiều thiện cảm, gây ấn tượng lớn đối với thế giới.

Vì rất nhiều bài báo tích cực nói về Hà Giang mà ngành du lịch Hà Giang đã phát triển mạnh mẽ và gặt hái nhiều thành công, cũng như đã thu hút được rất nhiều sự chú ý, quan tâm của mọi người trên toàn thế giới. Năm 2019, Hà Giang đạt đón nhận gần 1 triệu rưỡi khách du lịch, trong đó du khách quốc tế đạt khoảng 225 nghìn lượt người. Năm 2020, Hà Giang đã đón nhận 1 triệu rưỡi lượt khách du lịch tới thăm, tăng khoảng 7% lượt khách du lịch đến đây so với năm 2019.

Theo thống kê của ban quản lý khu du lịch cao nguyên đá Đồng Văn, lượt khách du lịch đến tham quan tăng trưởng rõ rệt, đặc biệt là du khách quốc tế. Nhờ sự xuất hiện liên tục của Hà Giang trên truyền thông quốc tế mà năm 2020, trang du lịch Hostelworld bình chọn tỉnh Hà Giang là một trong những địa danh du lịch bụi tốt nhất thế giới. Nhờ hiệu ứng tốt của tỉnh Hà Giang trên các tờ báo ở các quốc gia nên đầu năm 2021, tỉnh Hà Giang đã được kênh truyền thông nổi tiếng của Mỹ là CNN bình chọn là top 10 điểm đến của Việt Nam có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, văn hoá đa dạng. Hơn nữa, sau khi Hà Giang liên tục được lên các tờ báo quốc tế và nhận được phản hồi tốt thì kênh truyền hình của Mỹ là CNBC đã tiếp tục quảng bá thêm nhiều phóng sự về du lịch, hình ảnh con người, đất nước Việt Nam ở các tỉnh thành như: Đà Nẵng, Hạ Long, Hà Nội. Điều này nhờ có hiệu ứng Hà Giang được khắc họa tích cực trên truyền thông quốc tế.

4. Một số gợi ý chính sách từ kết quả nghiên cứu

Thứ nhất, trong những năm tới, để hình ảnh Hà Giang tiếp tục được đẩy mạnh trên truyền thông quốc tế thì Chính phủ, chính quyền Hà Giang và các Bộ, ban, ngành cần tiếp tục thiết lập các mối quan hệ tốt, thiết lập cơ chế cung cấp thông tin chính xác và nhanh chóng cho các cơ quan báo chí quốc tế ở các nước để có thể đưa đến hình ảnh Hà Giang với nhiều hình ảnh tích cực, giúp đẩy mạnh ngành du lịch và văn hoá của Hà Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.

Thứ hai, Chính phủ và nhà nước cần xây dựng và đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch quảng bá Hà Giang trên các phương tiện truyền thông hiện đại hiện nay như Twitter, Facebook hay Youtube để có thể cung cấp nhiều hình ảnh đẹp về văn hoá, du lịch của tỉnh Hà Giang đến với bạn bè quốc tế thật nhanh chóng.

Nhà nước và Chính phủ cần thực hiện nghiêm ngặt những chiến dịch truyền thông về Hà Giang để có thể đem lại nhiều kết quả tích cực cho Hà Giang trong những năm tới

5. Kết luận

Từ năm 2017 trở đi, hình ảnh Hà Giang đã được tái hiện rõ nét trên các tờ báo quốc tế như báo CNN của Mỹ, báo Hankyung của Hàn Quốc, báo The Straits Times của Singapore và báo Der Spiegel của Đức. Những phương thức du lịch, những khu văn hóa truyền thống, những nét đẹp của mảnh đất núi rừng đã hình thành nên những hình ảnh đẹp, thân thiện, tuyệt vời của Hà Giang đối với truyền thông quốc tế và tạo được nhiều hiệu ứng tốt. Qua những phân tích, có thể thấy hình ảnh của Hà Giang trên các tờ báo quốc tế đã được khắc họa sinh động trên nhiều khía cạnh, có cả những hình ảnh tích cực và tiêu cực nhưng phần lớn vẫn là những hình ảnh tích cực là chính. Từ đó, Việt Nam sẽ có những bài học và kinh nghiệm lớn để có thể phát triển và đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh cho Hà Giang trên các phương tiện truyền thông quốc tế khác.

6. Tài liệu tham khảo

Yi, J. H. (2011). Comparison of the interactivity between CNN and YTN: A media analysis on 2 interacting programs "risk's list" and "topic news" (Một phân tích trung gian về 2 chương trình tương tác "danh sách rủi ro" và "tin tức chủ đề"). Ball State University, Muncie.

Giang, Đ.T. (2015). Truyền thông với quảng bá du lịch văn hoá tại cao nguyên đá Đồng Văn. Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, Hà Nội.

Tâm, M. (2020). Hà Giang: Đón những du khách quốc tế đầu tiên “xông đất" năm 2020. Truy cập ngày 09/04/2022, từ: https://baotintuc.vn/du-lich/ha-giang-don-nhung-du-khach-quoc-te-dau-tien-xong-dat-nam-2020-20200101222255914.htm

Hải, N. H. (2021). Kinh nghiệm phát triển du lịch Hà Giang. Truy cập ngày 07/04/2022, từ: https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/36021

Hải, L. (2022). Ngoại giao văn hoá, quảng bá hình ảnh Hà Giang ra thế giới. Truy cập ngày 08/04/2022, từ: https://hagiang.gov.vn/pages/propagandanews.aspx?ItemID=1267

CNN. Truy cập ngày 04/04/2022, từ: https://edition.cnn.com/about

Hankyung. Truy cập ngày 03/04/2022, từ: https://www.hankyung.com/

The Straits Times. Truy cập ngày 03/04/2022, từ: https://www.straitstimes.com/global

Der Spiegel. Truy cập ngày 05/04/2022, từ: https://www.spiegel.de/

Nguyễn Tuấn Quang - Trần Phương Chi (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội)