Pacific Airlines nợ hơn 38 tỷ đồng BHXH, tình hình kinh doanh “thê thảm”

Mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP HCM cho biết Công ty Cổ phần Hàng không Pacific Airlines (Pacific Airlines) có địa chỉ tại số 112 Hồng Hà, Phường 2, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang nợ 38 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội của 1063 nhân viên, trong 18 tháng.

Trong quý 1/2022, HĐQT Vietnam Airlines đã ban hành Nghị quyết tiếp nhận toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Quantas Asia Investment Company (Singapore) Pte Limited tại Pacific Airlines tặng cho Vietnam Airlines để triển khai việc tái cơ cấu và thoái vốn tại Pacific Airlines, đồng thời ban hành Nghị quyết đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ Pacific Airlines hoạt động. 

Sau khi tiếp nhận 30% cổ phần do Qantas đã tặng lại, Vietnam Airlines hiện nắm giữ 98% cổ phần tại Pacific Airlines.

Hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines đang đối mặt nhiều khó khăn về dòng tiền, khi nợ quá hạn lớn, đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động.

Trong báo cáo tài chính năm 2021 vừa công bố, Vietnam Airlines đánh giá, giai đoạn này, Pacific Airlines tiếp tục tổ chức hoạt động khai thác tối thiểu, tinh giản bộ máy; tận dụng nguồn lực chung với Vietnam Airlines Group để tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, khả năng phối hợp sản phẩm với Vietnam Airlines. “Đến thời điểm này (tháng 6/2022), tình hình tài chính của Pacific Airlines rất nghiêm trọng, dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động”, Vietnam Airlines thông tin.

pa-1669792410.jpg
Máy bay của hãng hàng không Pacific Airlines. (Ảnh: pacificairlines.com)

Năm 2021, hãng hàng không giá rẻ lâu đời nhất Việt Nam tiếp tục lỗ 2.308 tỷ đồng.

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ của Vietnam Airlines Đến tháng 6/2022, tình hình tài chính của Pacific Airlines rất nghiêm trọng, dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động. Quy trình lựa chọn nhà đầu tư gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp nhà nước. Vietnam Airlines đang tiếp tục báo cáo các cấp có thẩm quyền để xử lý.

Ngoài Pacifice Airlines thì rất nhiều công ty nợ bảo hiểm của nhiều người lao động với số tiền lớn. Công ty TNHH Yujin Vina nợ tiền của 1.411 lao động, tổng số tiền trên 30,2 tỷ đồng. Công ty TNHH Thương mại cơ khí Tân Bình Minh nợ trong thời gian 161 tháng. Công ty nợ số tiền bảo hiểm lớn nhất là Công ty Cổ phần Hàng không Pacific Airlines với số tiền lên đến hơn 38 tỷ đồng.

Trong tổng danh sách 977 đơn vị đang nợ BHXH, những doanh nghiệp nợ tiền từ 6 tháng trở lên với số tiền nợ từ 300 triệu đồng trở lên như: Công ty CP Dệt may Gia Định nợ hơn 12 tỷ đồng tiền BHXH của 441 lao động trong 19 tháng; Công ty CP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn nợ 34,4 tỷ đồng BHXH của 97 lao động trong 56 tháng.

Một số công ty khác như: Công ty CP Thương mại dịch vụ Thiếu nhi Mới nợ gần 31 tỷ đồng BHXH của 29 lao động đã trong 32 tháng; Chi nhánh Công ty CP Anh ngữ Apax nợ hơn 27,6 tỷ đồng tiền BHXH của 169 lao động trong 33 tháng; Công ty CP Dược phẩm Pha No nợ 14,9 tỷ đồng tiền BHXH của 91 lao động trong 27 tháng; Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Tập đoàn Hoàng Quân) nợ hơn 14,7 tỷ đồng BHXH của 64 lao động trong 54 tháng;

Trong đó, Công ty CP Thương mại Dịch vụ Đất Mới nợ hơn 13,8 tỷ đồng BHXH của 622 lao động trong 16 tháng; Công ty TNHH Dịch vụ cung ứng lao động Bến Thành nợ hơn 13,6 tỷ đồng BHXH của 508 lao động trong 24 tháng; Công ty TNHH Việt Thắng Jean nợ 11,3 tỷ đồng BHXH của 139 lao động trong 22 tháng;

Ngoài ra, một số công ty nợ BHXH số tiền 10 tỷ đồng, như: Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Năm sao; Công ty CP Dược phẩm Duy Tân; Công ty TNHH Kỹ thuật Hòa Hiệp; Công ty TNHH Xây dựng dân dụng và công Nghiệp Nam Việt.

Khánh Ngân