Khai thác xa khu vực dân sinh, Doanh nghiệp mặc sức gây ô nhiễm?
Tiếp nhận phản ảnh của nhân dân, PV đã có mặt tại công trường để tìm hiểu thực hư về hoạt động của Công ty. Theo tìm hiểu của PV, Công ty Cổ phần Hoàng Trường do ông Nguyễn Văn Hoàng Giám đốc Điều hành hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản: đá, cát, sỏi, đất sét, nằm tại khu vực xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
Công ty có địa phận hoạt động cách xa khu vực dân sinh hơn 100m, cách mặt đường chưa tới 20m, tuy nhiên, hàng ngày, cùng với quá trình nổ mìn, khai thác khoáng sản, vận chuyển đá, đất sét, những làn bụi mù mịt bay lẫn trong không khí, tưởng như sương mù phủ kín bụi theo gió tạt vào khu vực dân cư, người dân đi đường vẫn chịu ảnh hưởng bụi bẩn len vào khoang mũi, cổ họng.
Thực trạng hoàn toàn thấy rõ là vậy, tuy nhiên, khi PV trực tiếp gặp và trao đổi với ông Nguyễn Văn Hoàng thì được ông Hoàng trả lời: “Đã là doanh nghiệp thì phải bụi, mà đặc biệt là doanh nghiệp khai thác khoáng sản”, hơn nữa, ông Hoàng còn gọi điện trực tiếp cho một người được biết là người ông Hoàng trả tiền hằng tháng để chịu trách nhiệm về mặt truyền thông cho Công ty Hoàng Trường
Bất ngờ làì người này đã có những lời nói xúc phạm đối với PV và tiếp tục trả lời như trên. Vậy, từ “bụi” trong câu trả lời của ông Hoàng chính là hình ảnh cây cối, con người không thể “thở” một cách tự nhiên, bụi nhuộm trắng xoá, đường sá “được” phủ kín một màn bụi bẩn li ti đến kinh hoàng. PV chúng tôi tự hỏi, những con người dân nơi đây sẽ phải duy trì nhịp thở thế nào, khi một bên là nỗi lo về dịch bệnh Covid-19, một bên là sự ô nhiễm không khí trầm trọng?
Người dân xã Trường Lâm cho biết: “Bản thân tôi không dám đi khám phổi, vì sợ khám thì ra bệnh, nên thôi, cứ sống tiếp”; “Quá khổ, chúng tôi đã phản ánh nhiều lần, nhưng các anh đến kiểm tra cũng đến lúc trời mưa, ở đây cả mấy năm trời đường sá cũng không phun nước, chúng tôi làm việc nhưng không bao giờ dám mở cửa”
Doanh nghiệp vi phạm, trách nhiệm thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền?
Nói về vấn đề xe vận chuyển đá, đất sét không che chắn, làm rơi vãi khắp đường, ông Hoàng cho biết: “Cái này PV cứ gửi lên các anh công an, chứ tôi đã cấm rồi, nhưng nhân viên vẫn làm, chị cứ gửi lên Công an”. Chúng tôi không biết thế lực nào mà ông Hoàng suốt quá trình làm việc, luôn dùng những lời lẽ mạnh bạo để thách thức PV. Đồng thời, ông Hoàng liên tục nhắc tới những mối quan hệ quen biết của ông để khẳng định uy quyền.
Thật nực cười khi một Giám đốc điều hành công ty mà lời nói lại chẳng có chút “trọng lượng” gì đối với nhân viên, để nhân viên vượt quyền. PV ghi nhận mỗi ngày có hàng chục lượt xe không đảm bảo an toàn tham gia giao thông di chuyển ra vào Công ty Hoàng Trường nói riêng và trên tuyến đường đến Mỏ Sét nói chung, vậy, lực lượng công an giao thông thị xã Nghi Sơn đã thật sự quản lý chặt chẽ trên tuyến đường này hay chưa?
Những chất thải từ thùng dầu máy đã qua sử dụng rò rỉ xuống mương, đất mà không được thu gom trong khu vực quy định cụ thể. Điều này có tác hại nặng nề trực tiếp đến môi trường đất, nước, không khí, và con người.
Để làm rõ hơn về tình hình khai thác, vận chuyển khoáng sản đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Công ty Hoàng Trường, PV đã liên hệ với UBND thị xã Nghi Sơn, Ban quản lý khu Kinh tế Nghi Sơn thì đến 14h ngày 06/12/2021, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn đã kết hợp với UBND thị xã Nghi Sơn trực tiếp kiểm tra đột xuất hoạt động khai thác của Công ty. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra nhận định việc ô nhiễm môi trường của Công ty Hoàng Trường là đúng, thời gian tới đoàn sẽ có trách nhiệm buộc Công ty phải khắc phục những tồn tại trên trong quá trình khai thác.
Thực trạng đau lòng, ô nhiễm người dân gánh chịu
Khi PV đặt chân đến mảnh đất xã Trường Lâm và khi bước chân rời đi chỉ đọng lại hình ảnh những ngọn núi đang bị xới xáo nham nhở, đất, trời ngập trong bầu không khí nặng nề, ngột ngạt, cảm giác dâng trào là 2 chữ xót xa.
Ngày nay, con người đang phải chống chọi với dịch bệnh Covid-19 đến từng nhịp thở để dành lấy sự sống, thì tại xã Trường Lâm, con người ngày ngày còn phải gánh chịu, chống chọi để giành lấy không khí trong lành còn sót lại. Quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá tại thị xã Nghi Sơn ngày càng phát triển vững mạnh, song, môi trường sông nơi đây đang thật sự “có vấn đề”? bản chất của tất cả sự phát triển xã hội cũng là đưa cuộc sống loài người trở nên tốt đẹp hơn. Liệu chúng ta đang làm đúng, đang thật sự phát triển khi những điều cơ bản nhất để tồn tại thì lại đang dần đánh mất?
PV Tạp chí Doanh nghiệp & Kinh tế xanh kính đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) giám sát, kiểm tra chặt chẽ hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản của Công ty Hoàng Trường nói riêng và toàn bộ các doanh nghiệp có hoạt động trên địa bàn nói chung để trả lại cho người dân nơi đây được sống, được thở những tinh hoa của đất trời đúng nghĩa.
PV Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh sẽ tiếp tục cập nhật và thông tin về sự việc tới bạn đọc./.