Từng sinh sống ở Hà Nội và trồng húng quế ở vùng bãi đá sông Hồng nên khi trở về quê tại Hà Tĩnh, ông Thắng nhận thấy khí hậu ở địa phương phù hợp với cây húng quế và ông quyết định chọn mảnh đất Kỳ Tân để trồng thử loài cây này. Quá trình trồng đã chứng minh cay húng quế phù hợp với vùng đất nơi đây và mang lại hiệu quả cao.
Rau húng quế, hay còn gọi là húng tây (Ocimum basilicum), là một loại gia vị phổ biến trong nhiều nền ẩm thực. Ngoài công dụng trong chế biến món ăn, húng quế còn được biết đến với nhiều lợi ích sức khỏe nhờ vào đặc tính kháng viêm, chống oxy hóa và hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cây rau húng quế đã bắt đầu mở ra triển vọng mới không chỉ trong lĩnh vực thực phẩm mà còn trong y học, công nghệ sinh học và phát triển nông nghiệp bền vững.

Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ban đầu ông Thắng thuê đất tại xứ đồng Cồn Nậy (thôn Xuân Dục, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh) để trồng húng quế. Sau khi cải tạo đất xong, đầu tháng 3/2024 ông bắt đầu xuống giống trên diện tích 4 ha.
Ông Thắng chia sẻ: Toàn bộ diện tích này trước kia là vùng đất sườn đồi nhiều năm đã chịu tác động của tình trạng hoang hoá. Một số nơi, người dân phải chuyển đổi trồng các loại cây ngắn ngày, song cho giá trị thấp, phần lớn bị bỏ hoang. Nhưng từ khi đưa cây húng quế về trồng, cây rau phát triển rất tốt. Mỗi năm cho thu hoạch 3 lứa, lứa đầu là sau 3 tháng kể từ khi xuống giống, 2 lứa tiếp theo, mỗi lứa cách nhau 45 - 50 ngày. Do húng quế là loài cây ưa nhiệt nên thời tiết càng nắng nóng, cây càng phát triển tốt, vì thế việc thu hoạch cũng cần tranh thủ thời tiết nắng ráo và kết thúc trước mùa mưa.

Theo ông Thắng, trồng húng quế cho lợi nhuận cao hơn các loại cây trồng khác bởi chỉ cần trồng 1 lần là cho thu hoạch 3 - 4 vụ trong năm. So với trồng lúa và các loại rau, màu khác, trồng húng quế dễ và nhàn hơn cả về khâu chăm sóc và thu hoạch, sau khi làm đất và xuống giống, chỉ mất công chăm sóc trong khoảng 1 tuần đầu. Cây không cần nhiều phân, không phải phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Rau húng quế thích hợp với đất tơi, xốp, không chịu được ngập úng nên khi trồng cần phải làm luống cao khoảng 15 - 20cm, tạo các rãnh ở giữa để tiêu thoát nước tốt.
Ông Thắng cho biết thêm: Rau húng quế ngoài làm rau gia vị thì còn dùng để làm tinh dầu nên muốn có sản phẩm tinh dầu nhiều, chất lượng tinh dầu tốt cần chú ý phải chăm sóc để năng suất thân, lá, cành đạt cao. Để làm được điều này, phải chú ý kỹ thuật bấm ngọn khi cây bắt đầu đẻ nhánh cho đến khi số cành đạt tối đa. Sau đó thúc phân và chăm sóc để cây phát triển nhanh.

Hiện tại, toàn bộ húng quế của ông Thắng sau khi cắt sẽ được thu gom về cơ sở tại xã Kỳ Văn để ép tinh dầu. Trung bình 1 tấn cây sẽ ép được 6 - 7 kg tinh dầu thành phẩm, bán ra với giá 1,2 - 1,4 triệu đồng/kg. Sản phẩm được các đơn vị kết nối thu mua tại chỗ, sau đó nhập khẩu sang các nước Đông Âu để tiêu thụ. Mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, mô hình trồng húng quế giúp ông Thắng có lợi nhuận khoảng 60 - 70 triệu đồng/ha.Với hiệu quả kinh tế khá cao, nên ông Thắng đang mở rộng trồng thêm 8 ha tại xã Kỳ Văn (huyện Kỳ Anh)
Không chỉ là loại cây có giá trị kinh tế cao, mô hình trồng húng quế còn tạo việc làm, thu nhập khá cho khoảng 10 lao động thường xuyên và hơn 20 lao động thời vụ, chủ yếu tại các xã Kỳ Tân, Kỳ Văn...

Ông Trần Công An - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân cho biết: Với chủ trương của xã đang thực hiện đẩy mạnh đa dạng hoá các loại cây trồng nhằm tận dụng tối đa nguồn lực về đất đai, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, trước hiệu quả mô hình trồng rau húng quế do anh Thắng làm chủ, cho thấy sự phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu trên mảnh đất Kỳ Tân, mở ra sự lựa chọn mới trong phát triển kinh tế của địa phương. Cây húng quế sẽ là một trong những lựa chọn cùng với dứa, dâu tằm, dưa hấu... thời gian tới. UBND xã sẽ tiến hành khảo sát để nhân rộng mô hình trồng húng quế, hỗ trợ người dân về kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Với nhiều giá trị kinh tế, húng quế được xem là loại cây trồng có tiềm năng, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại vùng bán sơn địa, núi đồi, góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân./.