Hơn 50 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã ra sức phấn đấu để thực hiện những điều di nguyện cuối cùng của Bác. Một trong những lĩnh vực luôn được Người đặc biệt quan tâm là vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân, bởi đây là lực lượng, một ngành kinh tế quan trọng tạo ra sức người, sức của cho việc kháng chiến kiến quốc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bản Di chúc Bác viết tháng 5/1968, Người dành một đoạn nói về giai cấp nông dân Việt Nam. Sau khi tuyên dương công lao to lớn và lòng trung thành vô hạn của nhân dân nói chung, “đồng bào nông dân” đối với Đảng và Chính phủ trong kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ nói riêng, Người căn dặn miễn thuế nông nghiệp cho nông dân: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ.
Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi đẩy mạnh sản xuất” (1). Tư tưởng, tình cảm của Bác đối với giai cấp nông dân, đối với nền nông nghiệp, nông thôn nước nhà là tư tưởng nhân văn vì con người của Bác.
Hồ Chí Minh luôn chăm lo đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa cho họ. Người yêu cầu và chỉ rõ trách nhiệm của Đảng và Chính phủ: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” (2). Xác định vị trí, vai trò quan trọng của nông dân trong cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng chỉ lo “cơm ăn, áo mặc” cho họ thì chưa đủ, mà phải nâng cao dân trí cho họ, như thế họ mới được hưởng trọn vẹn độc lập, tự do. Người xem đói và rét đều là giặc, phải diệt giặc đói, diệt giặc dốt, bởi vì “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” (3). Người rất coi trọng đến vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Người chỉ ra: “Nông dân ta đông người nhất, kinh tế nông nghiệp quan trọng nhất; nông dân ta đã anh hùng trong cách mạng, trong kháng chiến, trong cải cách ruộng đất, thì trong cuộc cách mạng biến đổi nông nghiệp từ thấp lên cao này nông dân ta cũng phải là anh hùng”(4). Tiến lên chủ nghĩa xã hội ở một nước nông nghiệp lạc hậu, nền sản xuất nhỏ, 90% dân số là nông dân, thực chất đây là một cuộc cách mạng nông dân, lực lượng nòng cốt là liên minh công - nông, do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Nông dân có nhiệm vụ quan trọng, trực tiếp sản xuất lương thực, thực phẩm cho xã hội. Người chỉ ra tầm quan trọng của nông nghiệp đối với công nghiệp và các ngành khác.
Muốn mặt trận nông nghiệp thắng lợi, điều đầu tiên là phải xây dựng và củng cố Ban quản trị hợp tác xã “Điều quan trọng bậc nhất hiện nay để phát triển mạnh nông nghiệp là: Chỉnh đốn các Ban quản trị hợp tác xã cho thật tốt… hợp tác xã tốt thì nông nghiệp nhất định phát triển tốt” (5). Đồng thời, Người cũng chỉ ra vai trò của “Các hợp tác xã nông nghiệp, dưới sự lãnh đạo của Đảng phải trở thành những đội quân vững mạnh của mười mấy triệu nông dân lao động trong công cuộc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giáo dục tư tưởng và xây dựng nông thôn phồn thịnh của nước ta” (6). Bên cạnh việc xây dựng, củng cố ban quản trị hợp tác xã, Bác yêu cầu nông dân vươn lên hơn nữa, đoàn kết, hăng hái sản xuất, thi đua lao động, cải tiến công cụ để năng suất ngày càng cao, vươn lên làm chủ xã hội.
Trong suốt cuộc hành trình hoạt động cách mạng của Người là tấm lòng yêu nước thương dân, là sự nghiệp giải phóng dân tộc, lo cho nhân dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Bác viết “Đầu tiên là công việc đối với con người”, và các quyền nhân sinh cơ bản nhất của con người. Trước khi vĩnh biệt chúng ta Bác vẫn chưa yên lòng, vì biết rằng sau ngày đất nước toàn thắng nhân dân ta, “đồng bào nông dân” đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Người căn dặn miễn thuế cho nông dân, để họ được “hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi”, tiếp bước trên chặng đường cách mạng, đẩy mạnh sản xuất, “chuẩn bị kế hoạch xây dựng nông thôn mới” (7).
Thực hiện tư tưởng của Bác, nhằm tạo ra sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nông dân, Đại hội X của Đảng (4-2006) nêu rõ: “Hiện nay và trong nhiều năm tới, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Phải luôn coi trọng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa lớn, đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao”.
Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ngày 5-8-2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được coi như “luồng gió mới”, tạo đà cho sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn. “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng”./.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 504
2. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.572
3. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.8
4. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 9, NXb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.184
5. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 10, NXb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.544
6. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 10, NXb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.21
7. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 9, NXb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.452