Vào những ngày đầu năm, hoa bưởi bung nở trắng ở những vườn bưởi Phúc Trạch thuộc huyện miền núi Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh). Lúc này, người dân lại tất bật với các dụng cụ để thực hiện công việc thụ phấn bổ sung cho hoa, giúp cây bưởi tăng tỷ lệ đậu quả.
Trước đây, những vườn bưởi Phúc Trạch được người dân chăm bón, đến mùa hoa, họ để cây thụ phấn tự nhiên nhờ gió, hay các loại côn trùng như ong, bướm,… Tuy nhiên, việc thụ phấn này khả năng đậu quả thấp hơn, không ổn định dẫn đến năm được mùa, năm lại mất mùa.
Từ năm 2010 đến nay, để tăng khả năng đậu quả, người dân đã tiến hành thụ phấn bổ sung giúp cây bằng cách lấy phấn của cây bưởi khác giống (bưởi chua, bưởi Diễn,…) quét lên nhụy hoa bưởi Phúc Trạch. Từ đó, giúp cho cây bưởi Phúc Trạch ra quả ổn định, năng suất không ngừng tăng lên.
Vừa thụ phấn cho hơn 300 gốc bưởi Phúc Trạch của gia đình, bà Thái Thị Lý (thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), vừa chia sẻ: Những năm qua, việc thụ phấn thủ công giúp bưởi Phúc Trạch tăng khả năng đậu quả. Nếu không thụ phấn, quả chỉ đạt khoảng 20 - 30%, nhưng sau khi thụ phấn bổ sung, cây bưởi Phúc Trạch cho tỉ lệ đậu quả cao gấp 2 - 3 lần. Nhờ phương pháp này mà vườn bưởi Phúc Trạch của gia đình tôi phát triển tốt, mùa bưởi năm 2023 thu được 1,5 vạn quả (khoảng 12 tấn), sau khi trừ mọi chi phí gia đình tôi thu về gần 300 triệu.
Người trồng bưởi Phúc trạch tại huyện Hương Khê dùng hoa bưởi chua để thụ phấn cho hoa cây bưởi Phúc Trạch, vì phấn của hoa bưởi chua giúp tỉ lệ đậu quả cao, chất lượng tốt hơn. Nhờ các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật của huyện, của tỉnh nên người dân nắm vững được kiến thức và từ đó cây đạt kết quả cao.
Để thụ phấn bổ sung cho hoa bưởi, người dân lấy phấn của cây bưởi chua quét lên nhụy hoa của cây bưởi Phúc Trạch. Công việc thụ phấn hoa nhìn đơn giản nhưng cũng khá mất thời gian và đòi hỏi sự tỷ mẩn, khéo léo. Để kịp tiến độ và hiệu quả cao nhất người dân phải tranh thủ làm các buổi sáng những ngày cây bưởi ra hoa rộ, trung bình mỗi ngày với 3 người làm, họ thụ phấn được khoảng 20 cây/ngày.
Theo người dân, năm nay hoa bưởi ra muộn hơn so với mọi năm. Các năm trước hoa bưởi nở sớm (trước Tết Nguyên Đán) và đều hơn, năm nay gần hết tháng Giêng, đầu tháng Hai hoa bưởi mới nở nên các gia đình mới bắt đầu công việc thụ phấn cho hoa bưởi.
Còn ông Trần Kim Đồng (xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) có hơn 200 gốc bưởi, thời điểm này gia đình ông cũng đang tất bật thụ phấn bổ sung cho hoa bưởi nhằm tăng khả năng đậu quả, tăng năng suất, chất lượng mùa bưởi năm 2024.
Ông Đồng cho biết: Việc thụ phấn sẽ quyết định năng suất của cả mùa vụ trong khi cây bưởi Phúc Trạch là cây trồng chủ lực, mang hiệu quả kinh tế lớn nhất của gia đình. Do đó, chúng tôi rất chú trọng các khâu đầu tư, chăm bón, thụ phấn bổ sung. Tùy theo thời tiết từng năm mà cây bưởi ra hoa sớm hay muộn. Thời điểm này bưởi bắt đầu ra hoa, thời gian ra hoa kéo dài trong vòng một tháng. Vì vậy, gia đình tôi tranh thủ thụ phấn thêm cho hoa để đạt tỷ lệ đậu quả cao nhất.
Dụng cụ để thụ phấn bổ sung cho cây bưởi là những chiếc thang, những chiếc cọ và lọ, hộp… đựng hoa bưởi. Đối với những cây và cành thấp, người dân trực tiếp dùng tay cầm hoa bưởi chua chấm lên đầu nhụy của hoa bưởi Phúc Trạch. Đối với những cây và cành cao, phải dùng thang để đứng hoặc cây sào hoặc que nứa găm trực tiếp hoa bưởi chua vào đầu que để thụ phấn hoặc quét phấn hoa vào đầu que có chổi lông rồi quét lên nhụy hoa cần thụ phấn.
Cứ mỗi vườn bưởi Phúc Trạch, người dân trồng thêm một số cây bưởi chua để lấy hoa thụ phấn bổ sung cho cả vườn. Hoa được chọn để đi thụ phấn phải đều, cánh mịn, khi chấm thử vào lòng bàn tay phấn hoa màu vàng rời ra thì khả năng đậu quả khi cho thụ phấn sẽ cao hơn. Việc thụ phấn phải làm liên tục giữa lúc hoa nở rộ, có lúc phải làm xuyên trưa để cây kịp đậu quả. Việc thụ phấn sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần để đảm bảo không bỏ sót, quả đậu nhiều hơn. Dù không quá phức tạp nhưng công việc này đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì và cả sự khéo léo của người nông dân bởi hoa bưởi rất nhỏ và nhiều.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Anh Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch, cho biết: Hiện nay toàn xã Hương Trạch có 453 ha diện tích bưởi Phúc Trạch (diện tích cho quả trên 400 ha), sản lượng hơn 5.000 tấn/năm. Bưởi Phúc Trạch là loại cây chủ lực của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế vùng nông thôn. Thời điểm này chính quyền địa phương đang tập trung chỉ đạo bà con thụ phấn cho cây bưởi, đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn, hướng dẫn bà con trong việc thụ phấn cũng như chăm sóc cho cây thời kỳ ra hoa đậu quả.
Ông Nguyễn Hữu Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh chia sẻ: Thụ phấn bổ sung là kỹ thuật cơ bản, giúp cây bưởi tăng tỷ lệ đậu quả, tăng chất lượng quả bưởi. Trong thời gian thời tiết bất lợi do mưa rét, người dân nên hái hoa bưởi chua sớm và dùng bóng đèn sấy khô để hoa tung phấn, từ đó việc thụ phấn sẽ có hiệu quả hơn. Để hỗ trợ bà con, qua các lớp tập huấn chúng tôi đã chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cho người dân biết cách phòng trừ bệnh dịch đúng cách, hạn chế ảnh hưởng do các loại sâu, nấm bệnh. Đồng thời, bà con cũng tập trung theo dõi và khắc phục hiện tượng thời tiết cực đoan như sương muối, khô hạn; chuẩn bị phân bón để bón thúc, đảm bảo nguồn nước tưới đủ ẩm cho cây bưởi.
Bưởi Phúc Trạch là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế tại huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh). Hiện nay, trên toàn huyện có tổng diện tích hơn 2.700 ha trồng bưởi Phúc Trạch, trong đó có hơn 1.900 ha đã cho quả, ước tính năng suất đạt khoảng 23.000 tấn/năm. Được xem là loại cây đặc sản, bưởi Phúc Trạch được trồng nhiều tại các xã như: Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Hương Thuỷ,... Bưởi Phúc Trạch dễ trồng, thích hợp với khu vực đồi núi, nên được xem là cây phát triển kinh tế khá tại địa phương. Thụ phấn bổ sung cho bưởi Phúc Trạch là một giải pháp quan trọng giúp cây bưởi đảm bảo được tỷ lệ đậu quả cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng quả bưởi./.