Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công tạo bước chạy “nước rút” cuối năm

Giải ngân vốn đầu tư công là động lực để tăng trưởng kinh tế, tạo bước đệm chạy “nước rút” để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
no-luc-giai-ngan-1697434472.jpg
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đang kiểm tra các dự án bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Những năm qua, các địa phương trong cả nước đang tập trung nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra.

Nỗ lực giải ngân, đẩy nhanh tiến độ

Tại tỉnh Thanh Hóa, trong những tháng cuối năm, tỉnh đang đang nỗ lực hết mình, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để giải ngân vốn đầu tư như kế hoạch, từ đó tạo động lực thúc đẩy đà tăng trưởng tạo bước đệm cho những năm tiếp theo.

Theo số liệu thống kê, tình hình giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được một số kết quả nhất định. Nhiều chủ đầu tư, dự án có tỷ lệ giải ngân vốn cao hoặc đã giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2023 và có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Song, tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Tính đến ngày 18/8/2023, kết quả giải ngân tại Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa và UBND các huyện, thị xã, thành phố đạt 6.593 tỷ đồng, bằng 45,3% kế hoạch giao chi tiết, thấp nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm trở lại đây. Đây là áp lực rất lớn cho những đợt giải ngân cuối năm để đảm bảo theo kế hoạch (phải giải ngân khoảng 8.330 tỷ đồng). Trong số 94 chủ đầu tư, có đến 24 chủ đầu tư giải ngân đạt dưới mức giải ngân trung bình của cả tỉnh và 8 chủ đầu tư chưa giải ngân.

Việc giải ngân vốn đầu tư công có tác động rất lớn đến tăng trưởng của nền kinh tế, khi đầu tư tư nhân và chi tiêu xã hội bị sụt giảm, thì các chính sách kích thích tổng cầu thông qua tăng đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính dẫn dắt tăng trưởng nguồn vốn đầu tư. Trên thực tế, trong 3 năm qua, từ nguồn vốn đầu tư công, Thanh Hóa đã dồn sức thực hiện được các dự án hạ tầng trọng điểm, thể hiện tầm nhìn chiến lược, đón đầu cơ hội phát triển, tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư của tỉnh.

Năm 2023, Thanh Hóa đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 11% trở lên. Hoàn thành chỉ tiêu này có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ tác động tích cực tới việc hoàn thành các chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ 2020-2025, tạo đà bứt tốc trên hành trình đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới theo Nghị quyết số 58- NQ/TW của Bộ Chính trị. Vì vậy, thách thức và áp lực rất lớn cho hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Chung tay vào cuộc hoàn thành chỉ tiêu

Để giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch, mở đường để tỉnh Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ hơn nữa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhắm đẩy nhanh tiến độ vào những tháng cuối năm.

Trong số đó, phải kể đến Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023 và khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới năm 2024.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cấp, các ngành phải xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 những tháng cuối năm là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện.

Đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và thu hồi vốn tạm ứng theo quy định; chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề ra từ đầu năm và tại các thông báo kết luận các phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh, các hội nghị giao ban toàn tỉnh về đầu tư công và tại Chỉ thị này.

Sở Xây dựng thường xuyên cập nhật điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp với diễn biến giá thị trường. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu, kịp thời báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đảm bảo cung cầu, kiểm soát giá vật liệu xây dựng.

Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác vật liệu đá, cát, đất... phục vụ các dự án đầu tư công đảm bảo nhanh, hiệu quả, đúng quy định pháp luật. Xử lý nghiêm tình trạng tạo khan hiếm giả, liên kết giữa các chủ mỏ vật liệu để nâng giá, khai thác, cung cấp không đúng quy định làm ảnh hưởng đến việc thi công các dự án.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính giải quyết kịp thời những vướng mắc trong định giá đất, thu tiền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính theo dõi sát tiến độ thực hiện và giải ngân của các sở, ban, ngành và địa phương, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để ban hành các giải pháp điều hành linh hoạt, sát với tình hình thực tiễn nhằm hoàn thành các mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền rút kế hoạch vốn của các dự án có tiến độ thực hiện chậm, tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu để bố trí cho các dự án có tiến độ triển khai tốt, giải ngân nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm 2023 nhưng chưa được bố trí đủ vốn trước ngày 30/10/2023.

Hà Khải