Hộ chiếu gắn chip điện tử là gì?
Theo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 (có hiệu lực từ tháng 7/2020), hộ chiếu có gắn chip điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký của người cấp. Đây là một bước cải tiến mới nhằm tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.
Hình thức của Hộ chiếu gắn chip điện tử cơ bản giống với Hộ chiếu không gắn chip điện tử với bìa màu xanh tím than, các trang trong hộ chiếu là cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam. Toàn bộ nội dung, hình ảnh in trong Hộ chiếu được thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả và đạt tiêu chuẩn ICAO.
Để phân biệt với Hộ chiếu không gắn chip điện tử, ở trang bìa đầu tiên của cuốn hộ chiếu có gắn chip điện tử có biểu tượng chip điện tử. Chip điện tử được đặt tại trang bìa sau của cuốn Hộ chiếu để lưu trữ thông tin nhân thân và thông tin sinh trắc học của người được cấp Hộ chiếu (gồm ảnh mặt, vân tay…) và chữ ký số của cơ quan cấp Hộ chiếu. So với Hộ chiếu phổ thông không gắn chip, Hộ chiếu có gắn chip điện tử có những ưu điểm như: Có tính bảo mật thông tin cao, vì được lưu trữ trong con chip, rất khó sao chép thông tin, được phía nước ngoài ưu tiên khi xét duyệt cấp thị thực nhập cảnh...
Có bắt buộc đổi sang Hộ chiếu gắn chip điện tử không?
Theo Bộ Công an, Hộ chiếu phổ thông không gắn chip điện tử và Hộ chiếu phổ thông có gắn chip điện tử được sử dụng song hành. Vì vậy, công dân Việt Nam đã được cấp Hộ chiếu phổ thông không gắn chip điện tử sẽ được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn của Hộ chiếu, không bắt buộc phải đổi sang Hộ chiếu có gắn chíp điện tử.
Khi nộp hồ sơ đề nghị cấp Hộ chiếu, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền được lựa chọn cấp Hộ chiếu không gắn chip điện tử hoặc cấp Hộ chiếu có gắn chip điện tử (tại Tờ khai đề nghị cấp Hộ chiếu đã có sẵn lựa chọn hình thức Hộ chiếu để công dân tự điền)./.