Nhu cầu lao động của doanh nghiệp cuối năm tăng cao

Hiện nay, trong điều kiện kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh sản xuất, nên nhu cầu tuyển dụng lao động mới cũng tăng cao.

Trở lại sản xuất ổn định trong tình hình mới, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toyota Boshoku Hà Nội (khu công nghiệp Kim Hoa, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đang có nhu cầu tuyển dụng 400 lao động phổ thông để đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất với mức thu nhập từ 7 -10 triệu đồng.

Nhằm giữ vững sản xuất gắn với phòng, chống dịch hiệu quả, công ty yêu cầu người lao động thực hiện tốt 5K, tổ chức phân luồng xe ra vào nhà máy, nhà ăn cho người lao động luôn đảm bảo giãn cách, có chắn bảo vệ, không gian làm việc thoáng mát, sạch sẽ, được khử khuẩn định kỳ…

Trong khi đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn may mặc Việt Thiên (khu công nghiệp Đồng Sóc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đang tuyển dụng 1.000 công nhân may với mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Công ty không yêu cầu tay nghề, khi vào công ty sẽ được đào tạo may và có xe đưa đón đối với người lao động ở xa.

Ngoài ra, mức thu nhập đưa ra, công ty cũng đưa ra các quyền lợi được hưởng của người lao động như: hỗ trợ chuyên cần, xăng xe, ăn ca, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi ngay từ khi vào làm... Tuy nhiên, việc tuyển dụng khá khó khăn với công ty vì nguồn lao động quá khan hiếm, phòng nhân sự đang liên hệ các địa phương nhờ hỗ trợ tìm nguồn nhân lực.

Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc, đa số các doanh nghiệp tuyển dụng đều không yêu cầu khắt khe về tay nghề của lao động mà sẽ tổ chức đào tạo nghề ngay sau khi tuyển dụng. Các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều chính sách, mức thu nhập chế độ đã ngộ hấp dẫn để tuyển dụng lao động. Đây cơ hội để người lao động lựa chọn cho công việc phù hợp với mình dịp cuối năm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang có 334 doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp, thu hút hơn 110.000 lao động làm việc. Trong năm 2021, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp là hơn 21.800 lao động.

20211125-095323-1639107475.jpg
Ảnh minh họa

Ông Phùng Quốc Ban, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để kết nối việc làm và cung ứng nguồn lực nhanh cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, trong năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức 23 phiên giao dịch việc làm với 191 lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia.

Những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều nhất chủ yếu như may mặc, điện tử, dịch vụ, sản xuất ô tô… Mức lương được các doanh nghiệp đưa ra từ 4-8 triệu đồng/người/tháng (tùy theo vị trí công việc). Các doanh nghiệp cam kết bảo đảm đầy đủ chế độ, phúc lợi theo quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Ban, dự báo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng cao. Hiện đã có 40 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đăng ký với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc với khoảng hơn 3.000 lao động. Những ngành tiếp tục có xu hướng thu hút nhân lực cao vẫn là sản xuất may mặc (chiếm 64,21%), sản xuất linh kiện điện tử (chiếm 11,8%), kinh doanh- dịch vụ (18,6%)…

Để nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc đã phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn theo huyện, xã, các khu công nghiệp. Cùng với đó, xây dựng mạng lưới cộng tác viên tuyển dụng tại các địa phương, các trường dạy nghề để kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm.

Ngoài ra Trung tâm cũng thông qua rất nhiều các hình thức khác để đẩy mạnh công tác kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động như: thông qua website, fan page, facebook, zalo để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động.

Cuối tháng 11/2021,  Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc tham gia phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố phía Bắc trong việc tuyển dụng lao động, tuyển sinh học nghề, tìm kiếm việc làm… Qua đó, hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường lao động trong khu vực cũng như các tỉnh, thành phố lân cận, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động, bù đắp sự thiếu hụt lao động, đồng thời hỗ trợ người lao động, đặc biệt là lao động thất nghiệp được tiếp cận thông tin về học nghề, việc làm cũng như cơ hội việc làm phù hợp với khả năng của bản thân.

Với mục tiêu giữ vững vùng xanh, tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng, nhất là cho người lao động để từ đó giúp doanh nghiệp tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh đáp ứng các đơn hàng đã ký kết trong năm và tăng cường tìm kiếm nguồn hàng cho năm tiếp theo. Do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp thời gian tới sẽ tăng mạnh. Đây là cơ hội và cũng là thách thức đối với người lao động để thích nghi, đáp ứng nhu cầu của sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới./.