Nhớ về mối tình đầu

Ở tuổi U 90, con cháu đề huề mà mỗi khi kể chuyện tình yêu của mình, đôi lúc cựu chiến binh Nguyễn Văn Trúc phải dừng lại để khóc, để cười cho thỏa những cơn xúc động.
34-2-1658636951.jpg
Cụ Nguyễn Văn Trúc kể chuyện với đồng đội.

Mối tình đầu của Nguyễn Văn Trúc nảy sinh vào một ngày đầu xuân 1952. Lúc ấy ông 22 tuổi, là chiến sĩ Đại đội 220, Tiểu đoàn 230, bộ đội Quảng Trị, về “nằm vùng” ven huyện lỵ Cam Lộ, luồn sâu vào vùng địch chiếm đóng để xây dựng cơ sở kháng chiến. Anh được bố Thảo - mẹ Ân (có con trai tên là Nhân mới hy sinh vì Tổ quốc) ở làng Lộc An chăm nuôi, bảo vệ. Nghĩa, em gái anh Nhân vừa độ “trăng tròn lẻ” hai bím tóc lúc lắc, học lớp 7 Trường cấp 2 kháng chiến của tỉnh tại căn cứ trong rừng xanh. Người chiến sĩ cách mạng nằm vùng, quê huyện Hải Lăng, đẹp trai, tận tụy công tác lại chưa có vợ và cô nữ sinh, đoàn viên thanh niên Tiền phong “được ông trời xe duyên”...

Gần hai tháng sau, Trúc có lệnh vào phía nam Quảng Trị chống giặc đi càn, giúp dân bảo vệ mùa màng. Tình yêu của anh và Nghĩa lớn dần qua những cánh thư. Cả đại đội vui mừng tán thưởng mối tình đầu ấy. Chỉ huy đơn vị cũng nghĩ đến việc chăm lo hôn nhân của hai người. Thế rồi nhiệm vụ nối tiếp nhiệm vụ. Đại đội nhận lệnh tham gia tấn công địch ở khu vực Đường 9, Khe Sanh, Trúc ở tổ đặc biệt, đi trước. Ban chỉ huy đơn vị đến gia đình Nghĩa, có lời xin tổ chức thành hôn cho Trúc - Nghĩa sau khi kết thúc chiến dịch.

Xuân chiến khu đón chờ đám cưới. Nhưng việc bất ngờ đã xảy ra. Tảng sáng 3-2-1954, đảng viên Nguyễn Văn Trúc nhận lệnh phải có mặt ngay ở Tỉnh đội Quảng Trị để cùng đoàn công tác đặc biệt ra Việt Bắc. Trước khi đi, anh được cấp trên cho về tranh thủ ít giờ để tạm biệt gia đình Nghĩa. Sau phút sững sờ, cả nhà tất tả chuẩn bị cho Trúc đi. Trúc siết chặt tay Nghĩa: “Nếu anh hy sinh thì em đừng ở vậy, quả phụ tội nghiệp!”. Nghĩa gục đầu vào lòng Trúc, nức nở: “Khi nào không ảnh hưởng gì đến việc chung, anh viết thư về. Còn em, cho dù bao nhiêu năm, em vẫn đợi”...

Trúc cùng đoàn công tác ra đến Việt Bắc, cấp tốc đi phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến dịch kết thúc, sau nhiều lần thuyên chuyển đơn vị theo yêu cầu nhiệm vụ, cuối năm 1955, Trúc nhận lệnh về Hà Nội, làm cán bộ kỹ thuật ở Ban Thi công thuộc Tiểu đoàn Công trình, Cục Xây dựng doanh trại quân đội; ngày ngày khôn nguôi nỗi nhớ Nghĩa và gia đình. Anh có ngờ đâu, sau khi Hiệp định Geneve được ký kết (tháng 7-1954) ít ngày, bố mẹ Nghĩa cho phép Nghĩa vượt Vĩ tuyến 17 ra Bắc tìm Trúc để có thể đoàn tụ. Nghĩa đi, trong tay không có một dòng địa chỉ của Trúc, chỉ nghe loáng thoáng anh đi chiến dịch giải phóng Điện Biên...

Ba năm lặn lội, dò la tìm kiếm vẫn bặt vô âm tín. Nỗi hoài nghi Trúc hy sinh trong chiến trận như đã thành sự thật. Nghĩa về sống với người bà con ở thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh), nương nhờ một cơ quan y tế của tỉnh, làm nhân viên phục vụ, đắp đổi những ngày cô đơn giá lạnh. “Con đò qua bao tháng năm lênh đênh, sa lệch bến bờ” ấy được bạn bè an ủi, khuyên nhủ, rồi giúp đỡ vun đắp xây dựng duyên lành.

Một ngày đầu xuân 1958, qua thời đoạn triền miên nhiệm vụ, Trúc xin nghỉ phép để về Vĩnh Linh-nơi những người kháng chiến có thể tìm hiểu được tin tức người thân bên kia giới tuyến. Được bạn bè trợ giúp và nhờ sự may mắn nữa, Trúc gặp được Nghĩa tại nhà khách cơ quan y tế. Cô gái có hai bím tóc lúc lắc năm xưa nay cao và gầy hơn, tóc xõa ngang vai, lần thứ hai gục đầu vào anh, nức nở gấp chục lần so với lần thứ nhất: “… Bây giờ anh về, em biết làm sao?”.

Đau nhói trong tim, Trúc hỏi về chồng của Nghĩa. Đó là một người nhân hậu, một chiến sĩ ở Tiểu đoàn Biên phòng giới tuyến. Thương cho mình và cũng mừng cho ai, Trúc nhìn thẳng vào mắt Nghĩa: “Thôi! Nghĩa hãy yên tâm. Đừng vì tôi mà lỡ làng hạnh phúc. Trong chuyện trắc trở của chúng ta, lỗi là ở tôi. Tôi đi xa lâu mà không tìm cách nhắn gửi tin cho Nghĩa. Dù sao đi nữa, đối với bố mẹ và với Nghĩa, tôi vẫn để trong lòng nghĩa nặng, tình sâu”.

Trúc trở về đơn vị, lao vào công tác. Ngày qua tháng lại, biết rõ hoàn cảnh của Trúc, hai anh Nguyễn Đức Nồng, quê Hà Nam, Phạm Chí Tuyến, quê Kiến An (Hải Phòng) trong ban lãnh đạo đơn vị, chiều nào cũng kèm Trúc đi chơi tâm sự. Một hôm, hai anh bảo Trúc: “Chúng tớ đã tìm cô Nguyễn Thị Thuận ở thôn Thượng Cát cho cậu rồi. Gia đình công nhân.

Bố lái tàu hỏa. Mẹ và các anh đều làm ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Chúng tớ đã nói chuyện với gia đình. Họ bảo phải gặp cậu xem ra sao đã”. Cuộc gặp mặt giữa bộ ba Nồng - Tuyến - Trúc và gia đình cô Thuận diễn ra ngay hôm sau. Tối đó, hai anh Nồng, Tuyến đề nghị và được gia đình đồng ý cho Thuận đi xem phim ở Bãi chiếu bóng Gia Lâm. Lúc xem phim, Trúc quay sang Thuận: “Việc chúng mình, các anh ấy có ý kiến thế, cô thấy thế nào?”.

Thuận đáp: “Em là con gái, chỉ biết nghe lời bố mẹ!”. Nghe Trúc báo cáo lại, hai “ông mối” mừng rỡ: “Thế là ổn rồi! Ông bà, bố mẹ cô ấy đều nói là họ đồng ý nếu như Thuận đồng ý”. Sau đó, do đơn vị sắp đi làm nhiệm vụ ở Tuyên Quang nên hai anh bàn với gia đình cho họ làm lễ thành hôn luôn.

Ngày 14-3-1958, một thứ bảy đẹp trời, cả cơ quan Tiểu đoàn Công trình cùng với gia đình dựng rạp tổ chức lễ cưới Trúc và Thuận. Cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn bộ góp được 20 đồng để mua chè xanh và thuốc lá. Đội văn nghệ tiểu đoàn cùng bà con họ mạc, xóm giềng ca hát rất vui. Anh em bạn bè gửi mừng đôi vợ chồng trẻ, tổng số 105 đồng.

Nhờ đó, anh chị sắm được giường, màn, chăn, gối. Nhưng vì đám cưới diễn ra quá gấp nên phải 15 ngày sau hai người mới có phòng hạnh phúc. Tiểu đoàn Công trình đi Tuyên Quang, Trúc được cấp trên bố trí ở lại công tác tại cơ quan Cục Xây dựng doanh trại đóng tại Hà Nội, cho gần gia đình. Đầu năm 1959, Trúc được cử về làm cán bộ kiến thiết cho Nông trường quân đội ở An Khánh, Hà Đông.

... Cuối năm 1996, đúng vào lúc kết thúc đợt hành hương về Quảng Trị sau gần 7 năm hưu trí, ông Trúc bỗng tự vấn: “Chuyến thăm mãn nguyện, có đúng là thế không khi mà còn một nơi ta không tìm đến? Chẳng lẽ lại không cần phải biết nhau có còn hay đã mất?”. Ông phải tự trấn an rồi mới bồi hồi bước đi. Qua cửa Bưu điện Quảng Trị, ông không thể tin vào mắt mình: Bà Nghĩa từ phía trong đi ra... (đến tận bây giờ, cụ Trúc vẫn cho rằng đó là thiên định).

Cuộc kỳ ngộ xúc động không thể tả xiết. Hai người biết thêm về nhau. Gia đình bà Nghĩa đang sống tại thị xã Đông Hà, chồng bà làm Bí thư Đảng bộ một phường ở đấy. Cả ba người con đều phương trưởng. Gia đình ông Trúc ở tổ 10, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội. Con cháu đề huề, yên ấm. Từ đấy, họ lại giữ mối liên hệ theo đúng nghĩa “mang tình cầm sắt đổi sang cầm cờ” mà hai người đã xác định từ lần gặp mùa xuân năm 1958 ấy./.

Phạm Xưởng