Theo Văn kiện Đảng toàn tập (Nxb.CTQG, H.2000 t.8, tr.1-3), một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/09/1945, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; một trong 6 nhiệm vụ cấp bách được Người đặt ra liên quan đến lĩnh vực giáo dục - đó là mở chiến dịch chống nạn mù chữ.
“Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ. Nhưng chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”, Người đề nghị.
Trong 6 nhiệm vụ cấp bách, chống nạn mù chữ được Người đặt ở vị trí thứ hai, chỉ sau nhiệm vụ chống nạn đói. Điều này cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng mặt trận giáo dục, là quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người chỉ rõ nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục vì con người, có vai trò huấn luyện, bồi dưỡng, phát triển toàn diện con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa. Giáo dục phải góp phần đào tạo ra được những người lao động mới, có lòng yêu nước nồng nàn, có đạo đức cách mạng trong sáng, có chí khí hăng hái vươn lên, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, có tinh thần gan dạ, dũng cảm, khiêm tốn,thật thà, cần cù, tiết kiệm, trong sạch, giản dị, có tri thức và sức khoẻ để trở thành những người chủ tương lai của đất nước.
Để động viên, khích lệ và giao trách nhiệm cho thế hệ trẻ trong ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ mới, chỉ Ba ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi học sinh cả nước. Trong thư đề ngày 05/9/1945, Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Bức thư gửi học sinh trong ngày khai trường đầu tiên thể hiện trọn tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các “mầm non tương lai” của đất nước; đồng thời thể hiện được tầm nhìn xa trông rộng, trí tuệ cực kỳ sáng suốt của Người đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Chọn thời điểm ngay sau ngày Quốc khánh, đúng vào ngày khai trường đầu tiên; chọn đối tượng là các em học sinh – chủ nhân tương lai của đất nước, để truyền đi thông điệp và gửi gắm niềm tin về xây dựng đất nước hùng cường, thì có lẽ không có sự lựa chọn nào thích hợp hơn. Vì như Bác thường nói: “Vì lợi ích trăm năm phải trồng người” và xây dựng đất nước hùng cường là sự nghiệp của trăm năm.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, tự do; nhưng thành quả đó mới chỉ là những cơ sở nền móng đầu tiên. Để độc lập, tự do đó thực sự vững bền, để Nhân dân thực sự cảm nhận được giá trị của độc lập, tự do, Đảng, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực vươn lên, xây dựng đất nước thành một quốc gia giàu mạnh. Vì vậy, Người thiết tha mong mỏi các thế hệ tương lai Việt Nam - những thế hệ trẻ được cắp sách đến trường trong hòa bình, trong tự do không ngừng ra sức cố gắng học tập, vươn lên tiếp thu những thành tựu khoa học - kỹ thuật tiên tiến của thế giới, tự đào tạo mình trở thành một lực lượng lao động quyết định, có đủ khả năng đưa đất nước bước lên đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam đã không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, trưởng thành cả về phẩm chất, năng lực, giành nhiều thành tích cao. Trên thương trường, nhiều thế hệ sinh viên, học sinh đã trở thành những doanh nhân thành đạt, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Đây cũng là mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân khi Người căn dặn: “Muốn đất nước giầu mạnh, Nhân dân ấm no thì phải luôn sắp xếp để có thật nhiều người sản xuất trực tiếp”, tức là phải chăm lo phát triển doanh nghiệp để tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.