Nhiều giải pháp được triển khai nhằm cung ứng hàng hóa và bình ổn giá thị trường Tết tại Hà Nội

Để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao điểm trước, trong và sau dịp lễ Tết năm 2025, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa và tổ chức hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối. Đồng thời, Thành phố cũng chủ động tạo nguồn hàng ổn định, đảm bảo cung - cầu của thị trường Hà Nội trong dịp lễ, Tết…
doanh-nghiep-cung-ung-hang-tet-2-1733193343.jpg
Dịp Tết, Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch cung ứng hàng hóa và bình ổn giá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua giải pháp kích cầu tiêu dùng, mua sắm… (Ảnh minh họa)

Triển khai kế hoạch cung ứng hàng hóa và bình ổn giá

Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân trên địa bàn, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai kế hoạch cung ứng hàng hóa và bình ổn giá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua giải pháp kích cầu tiêu dùng, mua sắm…

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết bảo đảm nguồn cung từ khá sớm. Đến nay, các doanh nghiệp đã khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình 7-25% tùy mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để sẵn sàng phục vụ nhân dân. Đáng chú ý, tỷ trọng hàng Việt Nam, nhất là nông sản đặc trưng của các địa phương, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) chiếm khoảng 90% trong giỏ hàng hóa Tết.

Hiện tại, toàn bộ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và đưa đến hệ thống phân phối. Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) Nguyễn Thị Cuối, từ đầu tháng 10-2024, hợp tác xã đã chuẩn bị kế hoạch sản xuất phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán, với đa dạng chủng loại rau và các mặt hàng nông sản. Trong đó, hợp tác xã đã mở rộng diện tích trồng rau ăn lá, rau gia vị, rau cao cấp đạt tiêu chuẩn VietGAP.

doanh-nghiep-cung-ung-hang-tet-1-1733193278.jpg
Hiện tại, toàn bộ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và đưa đến hệ thống phân phối.(Ảnh minh họa)

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết. Ông Trần Quân, chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển cho biết đơn vị này đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với hàng chục cơ sở sản xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng đặc sản, sản phẩm OCOP để phục vụ nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm.

Không chỉ các doanh nghiệp, ngành công thương và nông nghiệp Hà Nội cũng tích cực tổ chức hội chợ, gian hàng giới thiệu nông sản từ các tỉnh, thành phố. Nhóm hàng thiết yếu được cân đối cung - cầu bao gồm gạo, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, rau củ, thực phẩm chế biến và các mặt hàng gia vị, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Hiện Thành phố có gần 71.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; 453 chợ; 137 siêu thị; 29 trung tâm thương mại; hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi và nhiều kênh bán hàng trực tuyến, bảo đảm khả năng lưu thông hàng hóa thuận lợi.

Để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao điểm trước, trong và sau dịp lễ Tết năm 2025, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa và tổ chức hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công thương. Bên cạnh đó, Thành phố cũng chủ động tạo nguồn hàng ổn định, đảm bảo cung - cầu của thị trường Hà Nội trong dịp lễ, Tết…

Phối hợp với các doanh nghiệp triển khai nhiệm vụ bình ổn thị trường

Bà Nguyễn Thị Hoài Thương, Giám đốc siêu thị WinMart Thăng Long cho biết hệ thống WinMart/WinMart+ đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong những tháng cuối năm, khi thị trường thường có sự gia tăng về sức mua, dự kiến khoảng trên 20%.

Theo đó, hệ thống siêu thị này đã lên kế hoạch từ sớm để chuẩn bị nguồn hàng ổn định và đảm bảo bình ổn giá, đặc biệt áp dụng với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm tươi sống và hàng hóa phục vụ cho dịp cuối năm, đồng thời, tập trung phát triển chuỗi cung ứng nội bộ giúp tối ưu hóa quy trình phân phối, vận chuyển nhanh chóng và kịp thời.

“Riêng đối với mặt hàng thực phẩm như thịt heo, thịt gà và rau củ cho cuối năm và Tết Nguyên đán, để chuẩn bị cho các dịp cao điểm cuối năm và lễ Tết, hệ thống WinMart/WinMart+ đã tích cực đàm phán, làm việc với các nhà cung cấp từ 2-3 tháng trước đó để thu mua sản lượng lớn và đảm bảo giá thành đầu vào,” bà Nguyễn Thị Hoài Thương chia sẻ.

doanh-nghiep-cung-ung-hang-tet-4-1733193459.jpg
Không chỉ các doanh nghiệp, ngành công thương và nông nghiệp Hà Nội cũng tích cực tổ chức hội chợ, gian hàng giới thiệu nông sản từ các tỉnh, thành phố.(Ảnh minh họa)

Hiện các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7%-25% tùy từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024 nhằm sẵn sàng phục vụ nhân dân, trong đó những mặt hàng thực phẩm, rau củ quả cũng được các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh thu mua, sản xuất nhằm kịp thời cung ứng cho người dân những ngày cao điểm tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Thế Hiệp, ngành Công Thương tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp triển khai nhiệm vụ bình ổn thị trường hàng hóa phục vụ người dân; khuyến khích hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ tích cực phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện tốt chương trình bán hàng lưu động đưa hàng Việt về các xã vùng nông thôn, các khu, cụm công nghiệp phục vụ người dân lao động.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhất là sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết./.

Bình Châu